Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi chiến lược

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thời điểm chỉ còn 2 tuần nữa là đúng một năm ngày Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych (23/2/2014), sự kiện mở màn cho cuộc đối đầu Đông - Tây gay gắt, cuộc khủng hoảng tại quốc gia này vẫn chưa được giải quyết.

Có thể nói, chưa bao giờ trong một thời gian ngắn, các nhà lãnh đạo thế giới lại phải tham gia nhiều cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Từ Normandy (Pháp), London (Anh) đến Minsk (Belarus) và mới đây nhất là Berlin (Đức) bên lề khuôn khổ Hội nghị an ninh Munich, bất kỳ lúc nào có cơ hội, vấn đề về Ukraine cũng được đưa ra bàn thảo. Thế nhưng các nỗ lực ngoại giao này vẫn chưa đạt được kết quả thực tế nào, ít nhất là cho đến lúc này khi tình hình xung đột vẫn đang diễn ra và leo thang từng ngày tại miền Đông Ukraine.
Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị an ninh Munich.    Ảnh: AP
Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị an ninh Munich. Ảnh: AP
Sự hiện diện của Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Kiev trong những ngày cuối tuần qua cho thấy, Ukraine đang là “canh bạc” quan trọng với phương Tây. Trong cuộc bàn thảo kéo dài hơn 5 giờ về kế hoạch hòa bình, các nhà lãnh đạo châu Âu với quan chức chủ nhà đã bàn thảo về việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường giới tuyến, trao trả tù binh và khả năng phát triển đối thoại theo công thức Normandie (Ukraine, Nga, Anh, Pháp). Điều đáng nói là, ông Hollande và bà Merkel đã đề xuất với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và trao thêm quyền tự trị cho lực lượng đòi độc lập.

Sự chuyển biến về cách tiếp cận này được coi là thông điệp rõ ràng mà phương Tây gửi tới Kiev. Theo đó, đây có thể coi là cơ hội cuối cùng để chính quyền Ukraine chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt gần một năm qua nếu không muốn gặp thất bại nặng nề về quân sự và kinh tế. Quan điểm này một lần nữa được khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ. Mặc dù có nhiều mâu thuẫn và khác biệt trong vấn đề có hay không cung cấp vũ khí cho Ukraine, các quan chức hàng đầu của NATO đều cho rằng, kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Kiev có thể sẽ làm rạn nứt thêm mối quan hệ giữa 2 bờ Đại Tây Dương. Bản thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi có mặt tại Kiev cũng cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ sớm quyết định về khả năng cung cấp vũ khí sát thương để hỗ trợ Kiev, song khẳng định Washington vẫn đặt nhiều ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao.

Sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa trục Nga – Mỹ, Nga – EU thời gian qua đã khiến các bên chịu nhiều tổn hại. Không chỉ gây ra tổn thất về kinh tế bởi các lệnh trừng phạt và trả đũa lẫn nhau, bất đồng giữa các bên còn khiến một loạt hồ sơ nóng cần đến sự phối hợp để giải quyết như vấn đề hạt nhân của Iran, khủng hoảng tại Syria, cuộc chiến chống khủng bố rơi vào thế bế tắc. Tình thế này khiến các nhà bình luận cho rằng, nếu tiếp tục duy trì, thế giới rất có thể sẽ phải chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống trật tự toàn cầu, trong khi Moscow đã tỏ ra quan điểm mất kiên nhẫn về những động thái vừa qua của phương Tây. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich thẳng thắn tuyên bố, quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga – EU đã không thể chịu được cuộc thử nghiệm về độ bền. Tối hậu thư từ Moscow đã buộc các nhà lãnh đạo châu Âu chuyển một tối hậu thư khác cho Kiev với yêu cầu rõ ràng đàm phán hòa bình là cách thức giải quyết xung đột. Và sự thay đổi này cho thấy, EU sẽ không để vấn đề Ukraine làm tổn hại và suy giảm lợi ích trong mối quan hệ chiến lược với Nga.