4 yêu cầu về nhân cách
Đi sâu vào việc xác định nhân cách GVMN thời kỳ hội nhập, PGS Đào Thanh Âm, khoa Giáo dục mầm non (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã điều tra 146 GVMN có trình độ trung cấp và cao đẳng, đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non của Hà Nội và Hải Dương.
Từ kết quả nghiên cứu, PGS Đào Thanh Âm xác định, đặc điểm lao động của GVMN luôn thể hiện 3 chức năng: Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ thơ. Do đó, ông đề nghị cần đặc biệt nâng cao trình độ lý luận và hoạt động thực tiễn cho GVMN về 4 nội dung.
Cần có giáo viên giỏi ngay từ bậc mầm non.
Phẩm chất số 1 là lòng yêu trẻ để có lòng yêu nghề đích thực. Thứ 2, trình độ tiếng Anh tới chuẩn để đáp ứng được các giờ dạy chuyên biệt về tiếng Anh. Thứ 3, là trình độ tin học tới chuẩn để tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin, phục vụ chăm sóc và giáo dục trẻ. Thứ 4 là hiểu biết đúng và đầy đủ về chức năng, nội dung và phương pháp quản lý lớp học mầm non do cô giáo phụ trách.
Sự sáng tạo đang đứng thứ 10/16
Để GVMN đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, PGS Hoàng Thị Phương cho rằng, quan sát là kỹ năng quan trọng trong hoạt động sư phạm của GVMN, là cơ sở để thay đổi cách giáo dục đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Sử dụng kỹ năng này thường xuyên, GVMN sẽ nắm được sự phát triển, thấy được sự thay đổi trong hành vi của trẻ. Từ đó sẽ thiết kế, điều chỉnh kế hoạch giáo dục, xây dựng môi trường và tổ chức hoạt động cho trẻ.Với PGS.TS Nguyễn Thị Như Mai, sáng tạo lại là yếu tố hàng đầu của GVMN, bởi phẩm chất này rất có lợi cho việc hình thành năng lực tạo ra cái mới ở trẻ và nhân cách sáng tạo trong tương lai.
Tuy nhiên, theo khảo sát 106 GVMN đang dạy ở các quận, huyện ở Hà Nội năm 2012 cho thấy, sự sáng tạo đứng thứ 10 trong số 16 phẩm chất và năng lực của GVMN. Như vậy, GVMN không coi sáng tạo là một trong những phẩm chất và năng lực cần thiết hàng đầu.
Thay đổi các học phần đào tạo
Ở góc độ người sử dụng lao động, bà Nguyễn Hiền Tâm, Hiệu trưởng trường Mầm non Đống Đa chia sẻ: GVMN thời kỳ hội nhập cần có khả năng tiếp nhận thông tin mới và truyền đạt đến học sinh. Để làm tốt việc này, GVMN phải có lòng yêu nghề, mến trẻ, đồng nghĩa với không có tình trạng giáo viên bạo hành.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện ĐH Sài Gòn đề xuất, chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với trẻ và với phụ huynh. TS Hồ Lam Hồng cho rằng, dạy trẻ càng bé càng khó, vì vậy, mô hình nhân cách của GVMN phải khác với giáo viên các bậc khác.
Việc đào tạo các kỹ năng phải được rèn luyện tỉ mỉ và đào tạo nhiều nghiệp vụ sư phạm khác như nhạc, vẽ, tạo hình, văn học… Nếu là giáo viên bậc khác đào tạo trong 4 năm thì GVMN phải đào tạo 5 năm để sau khi ra trường GVMN có thể bắt được tâm lý đứa trẻ. Có lẽ kinh nghiệm đào tạo GVMN mà bà Trịnh Thị Xim, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, trường CĐ Sư phạm T.Ư đưa ra rất thực tế: "Trong suốt 4 năm qua, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều các học phần trong GDMN. Những chuyên đề chuyên sâu như phát triển tình cảm xã hội tạo ra được khí thế mới khi các em tốt nghiệp ra trường đi dạy".