Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi cơ chế để hút nhân tài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), coi đây là khâu đột phá. Xác định nhân lực KH&CN là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của lĩnh vực này.

Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết về phát triển KH&CN, trong đó xác định KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Nhưng hiện nay, lĩnh vực này đang thiếu cả về chất và lượng. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Bùi Thị An, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng xung quanh vấn đề này.

Thay đổi cơ chế để hút nhân tài - Ảnh 1

Vẫn chưa có sự hoạch định đúng và chính sách đãi ngộ thích hợp để thu hút nhân lực khoa học trẻ. Ảnh: Duy Khánh

 Hội nghị T.Ư 6 đã nhất trí cao nhiều chủ trương, chính sách quan trọng cho lĩnh vực KH - CN, trong đó có nội dung đầu tư nhân lực KH&CN, bà đánh giá thế nào về chủ trương này?

- Kết luận của Hội nghị T.Ư 6 tiếp tục khẳng định cùng với GD&ĐT, KH&CN phải là quốc sách hàng đầu và góp vai trò then chốt trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Tôi cho đó là nhận định rất đúng của T.Ư khi nhìn nhận vai trò của KH&CN. Tuy nhiên, điều băn khoăn của các nhà khoa học hiện nay là làm thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Bộ KH&CN nhận định, dù nhân lực KH&CN đang thiếu trầm trọng, nhưng lại có tình trạng thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa, vậy theo bà, cần phải làm gì để cơ cấu lại?

- Đúng là có hiện tượng trên. Một trong những nguyên nhân của sự bất hợp lý này là việc sử dụng cán bộ khoa học đôi khi chưa hợp lý, nhiều cơ chế chưa được phát huy hiệu quả để thu hút người tài về các cơ quan Nhà nước. Vì vậy, quan trọng là những người lãnh đạo, đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần thu hút nhân lực phải biết sử dụng ai, có cơ chế như thế nào. Muốn làm được điều này, người đứng đầu ấy phải có đủ tài, đủ tâm, đức mới đánh giá đúng và sử dụng đúng người tài, khi đó mới động viên được đội ngũ khoa học để họ cống hiến hết mình.

Các nhà chuyên môn đang lo thiếu đội ngũ khoa học trẻ kế cận, nguyên nhân là do "đầu vào" của các trường đào tạo về KH&CN đang "có vấn đề", ý kiến của bà về vấn đề này?

- Có thực tế hiện nay xu hướng giới trẻ chỉ thích học những ngành để khi ra trường dễ kiếm tiền và kiếm tiền nhanh, họ ngại thi vào ngành vất vả, ít tiền, dù những ngành ấy đang rất cần cho đất nước. Nhưng, yêu cầu cuộc sống buộc người ta phải như vậy, không trách giới trẻ được. Trách nhiệm này thuộc các nhà lãnh đạo, quản lý ở tầm vĩ mô chưa có sự hoạch định đúng và có cơ chế thích hợp để thu hút nhân lực cho KH&CN. Cụ thể, phải dự báo được sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dự báo nguồn cầu, từ đó mới định ra hướng đào tạo nên thế nào.

Có phải bà nhắc đến cơ chế để thu hút nhân lực? Vậy bất hợp lý của cơ chế hiện nay là gì?

- Ngay cả Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng khẳng định, cơ chế quản lý khoa học nói chung đang có vấn đề, chậm đổi mới. Đặc biệt, cơ chế quản lý tài chính không hợp lý, ảnh hưởng nhiều đến kết quả chuyển giao KH&CN. Đơn cử là kinh phí dành cho KH&CN hàng năm có 2%, nhưng chưa tiêu hết chỉ bởi phần thủ tục xét duyệt đề tài quá dài, thủ tục tài chính lại rườm rà, đợi tiền lâu, thậm chí khi tiền về phải quyết toán luôn nên khó tiêu kịp. Vì vậy, có thể nói, cơ chế tài chính là lực cản chính khiến nhiều nhà khoa học nản chí, không mặn mà với công tác nghiên cứu. Vấn đề nữa, để hợp thức hóa tiền công lao động, tiền đi công tác, rồi chi cho nghiên cứu, thí nghiệm... nhiều cán bộ làm khoa học phải nghĩ ra đủ các chiêu thức... Nói chung, họ đã phải nói dối bất khả kháng.

Chính vì vậy, điều mà giới khoa học nước nhà mong mỏi là Nghị quyết phải được đưa vào cuộc sống để tháo gỡ những bất cập hiện nay, phải phấn đấu, rất - rất nỗ lực mới có thể kỳ vọng được mục tiêu ấy.

Xin cảm ơn bà!