Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi để khẳng định vị trí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số báo 65 (ra ngày 25/3), báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh xung...

Thay đổi để khẳng định vị trí - Ảnh 1Kinhtedothi - Trong số báo 65 (ra ngày 25/3), báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh xung quanh việc "Xóa sổ hay nâng cấp trường cao đẳng sư phạm?". Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Wellpring, người có hơn 40 năm dạy học, trong đó gần 20 năm làm công tác quản lý.

Ông có thể phân tích những ảnh hưởng khi các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) nâng cấp thành trường đại học (ĐH)?

- Khi trường CĐSP được nâng cấp thành ĐH thì đội ngũ cán bộ chưa thể đáp ứng được ngay về trình độ cũng như phương thức đào tạo dẫn đến bất cập thể hiện rõ là không đủ đội ngũ giảng viên theo chuẩn và không thu hút được sinh viên. Như thế mục tiêu đào tạo của các trường sẽ gặp khó khăn. Bây giờ, giáo viên chỉ cần đạt chuẩn để làm nghề, mà số đạt chuẩn chiếm tỷ lệ rất cao. Còn những người muốn đi học nâng cao chủ yếu là các bạn còn trẻ chưa có việc làm và những giáo viên muốn đạt trên chuẩn.

Sở dĩ tôi nói vậy bởi, công việc của nhà giáo rất bận rộn, ngoài giờ lên lớp, họ còn phải soạn bài, chấm bài, tổ chức các hoạt động ngoài giờ, dẫn đến việc đi học để nâng cao là điều khó khăn, nhất là đối với các giáo viên nữ đã lập gia đình. Và có lẽ các trường CĐSP cũng chưa đáp ứng được nhu cầu dạy nâng cao, cho nên người ta không mặn mà. Còn học sinh - đối tượng mới tuyển không thiết tha với ngành sư phạm, đặc biệt các em ở những TP lớn, phần lớn các em muốn vào ĐH chứ không phải CĐ, không riêng gì ngành sư phạm.

Vậy đâu là giải pháp cho các trường CĐSP, thưa ông?

- Các trường CĐSP cần phải tích cực thay đổi. Trước hết phải chủ động tổ chức bồi dưỡng giáo viên các trường phổ thông phục vụ thiết thực việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá, nâng cao trình độ giáo viên. Bản thân trường CĐSP cũng phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Hiện nay, nhu cầu giáo viên dạy tiểu học và THCS gần như bão hòa ở nhiều nơi. Nếu mở ra tuyển sinh mà không có đầu ra thì rất khó, cho nên trường CĐSP trên địa bàn các tỉnh phải làm việc chặt chẽ với UBND địa phương, Sở GD&ĐT để biết số lượng nhân lực ngành sư phạm trong vòng 5 năm tới. Sau đó, các trường CĐSP thông báo tới các trường THPT cho học sinh biết khi vào học, khả năng xin được việc làm cao. Như thế sẽ có sức thuyết phục hơn.
Giờ lên lớp của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.
Giờ lên lớp của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.
Hiện nay, không chỉ các trường CĐSP mà ĐH sư phạm cũng đào tạo chưa theo nhu cầu của xã hội. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ; nhan nhản cử nhân, thạc sĩ nhưng nơi cần tuyển dụng lại tìm không ra người đáp ứng yêu cầu công việc. Đó là do chất lượng đào tạo chưa tốt. Vì thế có nhiều em thi tuyển công chức không đạt yêu cầu trong khi nhiều nơi kêu thiếu. Tôi muốn nhấn mạnh, trong đào tạo cần phải biết nhu cầu xã hội. Để làm được điều này thì cần dự đoán tương đối chính xác ngành nghề nào cần bao nhiêu người của từng địa phương. Như thế sẽ giúp cho các trường tuyển sinh phù hợp.

Trước tình trạng thừa giáo viên, có nên quy hoạch 2 - 3 tỉnh có một trường CĐSP, thưa ông?

- Hiện nay, người ta đang muốn địa phương hóa, tỉnh nào cũng có trường ĐH, mà sư phạm thường được mở đầu tiên. Cho nên xu hướng ghép sẽ quay lại thời kỳ xưa, khu Việt Bắc có CĐSP Việt Bắc, cả Tây Bắc có CĐSP Tây Bắc, CĐSP T.Ư phục vụ đào tạo cho các tỉnh vùng đồng bằng. Chia ra thì dễ, nhưng nhập vào không đơn giản chút nào. Đặt trường ở tỉnh nào là cả một vấn đề nhưng về mặt chiến lược có lẽ nên có trong điều kiện dư thừa.

Cả nước đang thực hiện học tập suốt đời. Có ý kiến đề xuất, các trường CĐSP nên chuyển đổi thành trung tâm học tập cộng đồng đào tạo nghề để đỡ lãng phí nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất. Quan điểm của ông thế nào?

- Hoạt động đào tạo ở trung tâm học tập cộng đồng mang tính chất khác trường CĐSP, cho nên sự chuyển đổi cũng có khó khăn. Theo tôi, việc chuyển đổi vẫn phải bám vào mục tiêu sư phạm và dứt khoát các trường phải giảm một số ngành không tuyển được sinh viên trong những năm vừa qua. Quan điểm của tôi không tuyển sinh được thì dừng, để nữa không giải quyết được việc gì.

Xin cảm ơn ông!