Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi nhận thức về cho vay tiêu dùng

Trâm Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề cho vay tiêu dùng.

  Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực
NHNN đang đề ra một loạt biện pháp để tăng cường tín dụng lĩnh vực tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen... Theo ông vì sao người dân vẫn lao vào tín dụng đen?
- Điểm mạnh, vượt trội của tín dụng đen là đáp ứng mọi nhu cầu của người vay và thủ tục vay quá dễ dàng.
Số liệu của StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những TCTD, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè, hoặc tín dụng đen. Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu, cần tài sản thế chấp. Thống kê cho thấy, tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng của các CTTC chỉ chiếm 8%. Hơn nữa thị trường nông thôn, vùng ven với khoảng 60 triệu dân vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các TCTD vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.
Hoạt động cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng nhưng thị trường này cũng đang đối mặt với không ít thách thức, rủi ro. Có cách nào để vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa có thể “mở đường” cho vay tiêu dùng phát triển?
- Thị trường cho vay tiêu dùng hiện có sự tham gia của các ngân hàng trong nước, nước ngoài và gần 20 CTTC. Nếu như các khoản vay có giá trị cao do ngân hàng cung ứng thì các khoản vay có giá trị thấp hơn do các CTTC khai thác.
Hiện nay sự cạnh tranh trên lĩnh vực tài chính tiêu dùng cá nhân không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng và CTTC, mà còn có sự tham gia của các Fintech (công ty công nghệ tài chính) với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin. Các sản phẩm tài chính của nhóm công ty Fintech khá phong phú so với nhu cầu của người tiêu dùng với hạn mức theo nhu cầu, đặc biệt các thủ tục được thực hiện trực tuyến. NHNN và Chính phủ nên khuyến khích các CTTC mở rộng đối tượng cho vay, mở rộng quy trình vay, xét cho vay một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp, khuôn khổ quản trị rủi ro của các DN.
Để giải quyết tín dụng đen đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và DN và lãi suất được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận giữa người cho vay và đi vay. Đặc biệt, cần phải có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như giáo dục tài chính; đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về cho vay tiêu dùng.
Thời gian tới, cần có thêm những biện pháp gì để hạn chế tín dụng đen, thưa ông?
- Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng. Hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các CTTC tiêu dùng, đặc biệt là chính sách lãi suất và chế tài xử phạt nhằm tổ chức lại hoạt động của loại hình này. Bên cạnh đó tuyên truyền để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng...
Xin cảm ơn ông!