Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi tư duy để phát triển chăn nuôi bền vững

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ sự vào cuộc giải cứu của các bộ, ngành, DN, địa phương ngày hôm qua (4/5), giá lợn hơi đã có dấu hiệu nhích lên song vẫn chưa đạt được mức giá thành sản xuất. Ngay từ lúc này, những biện pháp đường dài cần phải được gấp rút thực hiện để hướng tới một ngành chăn nuôi bền vững hơn.

Nông dân lao đao

Trang trại của bà Hoàng Thị Giáp, thôn Cù Sơn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức nuôi gần 200 con lợn. Cách đây nửa tháng, bà Giáp vừa xuất bán một lứa lợn hơn 50 con với giá 16.000 đồng/kg. Đứng bên chuồng lợn với vẻ mặt ngao ngán, bà chia sẻ, chỉ tính riêng tiền giống và thức ăn chăn nuôi, mỗi con lợn đã lỗ 1,5 triệu đồng. Như vậy, lứa lợn vừa rồi, gia đình bà đã thua lỗ gần 100 triệu đồng. “Cả gia tài của nhà tôi coi như trắng tay trong đợt này” – bà Giáp ngậm ngùi. Tín hiệu đáng mừng là theo khảo sát của phóng viên tại xã Vân Côn ngày 4/5, giá lợn hơi xuất chuồng đã nhích lên 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó.
 Sản phẩm thịt lợn được mua trực tiếp từ trại của các thành viên Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Ảnh: Thuận Hải 
Là vùng chăn nuôi khá lớn của huyện Mê Linh, tuy nhiên nhiều tháng qua, hoạt động giao thương ở xã Liên Mạc trở nên vắng lặng. Nếu như khoảng 6 tháng trước, những chuyến xe tấp nập về đây mua lợn thì nay người chăn nuôi mỏi mắt trông ngóng nhưng cả ngày cũng không thấy bóng thương lái. Theo ông Phan Văn Minh - chủ trang trại chăn nuôi trên 100 lợn nái và hàng trăm lợn thịt thương phẩm ở thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, đàn lợn nái hiện gần như không mang lại giá trị kinh tế bởi lợn con sinh ra không có người mua. Đối với lợn thịt, với giá xuất chuồng 18.000 đồng/kg, gia đình đang lỗ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Chăm - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc cho biết, toàn xã hiện có khoảng 40 trang trại chăn nuôi từ 50 con lợn trở lên. Việc tiêu thụ thịt lợn khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế của địa phương.

Nhiều trang trại chăn nuôi tại huyện Đông Anh thậm chí còn rơi vào tình cảnh bi đát hơn. Bước vào trang trại Minh Hà, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương ngày 4/5, không ai nghĩ nơi đây lại là một trong những trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP lớn nhất trên địa bàn huyện Đông Anh. Gần nửa năm qua, hoạt động của trang trại hết sức cầm chừng. Cả trang trại rộng lớn chỉ có 4 nhân viên đang dọn chuồng và cho đàn lợn nái ăn trưa. Ông Nghiêm Đình Minh - chủ trang trại Minh Hà cho hay, dù tiếc đứt ruột nhưng gia đình vừa phải cắn răng bán đi 100 con lợn nái. “Tổng chi phí để sản xuất ra một con lợn nái khoảng 15 - 17 triệu đồng. Vậy mà vừa rồi bán, chỉ thu về chưa đến 7.000 đồng/kg” - ông Minh ngậm ngùi . Đối với lợn thịt, mỗi ngày trang trại Minh Hà tự mổ 2 - 3 con rồi chở ra các chợ tiêu thụ. Theo ông Minh, trong vòng 6 tháng qua, gia đình ông đã lỗ gần 5 tỷ đồng, tương đương gần 5 năm doanh thu từ chăn nuôi lợn!

Thịt sạch vẫn chạy hàng

Trong khi thịt lợn tiêu thụ khó khăn thì mặt hàng thịt lợn an toàn sinh học, thịt lợn theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn có đầu ra khá thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền cho biết, giá thu mua lợn hơi tại các trang trại VietGAP, đủ điều kiện về VSATTP là 35.000 - 40.000 đồng/kg tùy giống. Đặc biệt, để góp phần giải quyết lợn đang dư thừa trên thị trường, Công ty Minh Hiền đã hỗ trợ giết mổ, bảo quản kho lạnh cho khoảng 17.000 con lợn thịt của người chăn nuôi trên địa bàn huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức. Dự kiến, khoảng 40 ngày tới, khi giá bán được cải thiện, DN sẽ tung lượng thịt này ra để giúp bà con có lãi.

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, việc các siêu thị giảm giá bán thịt lợn, mặc dù đã có tác dụng kích cầu nhưng sức mua tại các siêu thị chỉ tăng từ 15 - 20% so với trước. Tuy nhiên, lượng thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP, thịt lợn có thể truy xuất được nguồn gốc vẫn được tiêu thụ mạnh mặc dù giá trên 100.000 đồng/kg. Cụ thể, tại siêu thị Vinmart, giá thịt nạc thăn là 129.000 đồng/kg, còn thịt ba chỉ ở mức 123.000 đồng/kg nhưng trung bình mỗi ngày hệ thống siêu thị tiêu thụ được 5 - 7 tấn.

Theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam, sản phẩm thịt lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn được thu mua với giá cao, trong khi lợn nuôi công nghiệp giá chỉ 23.000 - 25.000 đồng/kg. Từ thực tế này, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, người chăn nuôi cần nhìn thẳng vào sự thật là tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi theo hướng chấp nhận mua hàng sạch, giá cao để từ đó thay đổi cách thức sản xuất. “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn vẫn được người tiêu dùng và hệ thống bán lẻ chấp nhận tiêu thụ với mức giá khá ổn định. Điều đó cho thấy người chăn nuôi phải tự rút ra bài học, là sản xuất phải có tầm nhìn xa hơn” - ông Vũ Vinh Phú khuyến cáo.

Thay đổi tư duy

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực kêu gọi các DN, hệ thống bán lẻ tăng lượng thu mua thịt lợn, mở rộng đầu ra cho người chăn nuôi. Bước đầu phong trào đã tạo được hiệu ứng nhất định. Tại Hà Nội, ngoài Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Hội Nông dân TP và các tổ chức đoàn thể cũng đã kêu gọi hội viên chung tay hưởng ứng phong trào tiêu thụ thịt lợn cho người nông dân. Tuy nhiên, cùng với giải pháp tình thế này, việc tính kế lâu dài cho ngành chăn nuôi lợn cũng phải được cấp bách thực hiện.

Ngày 4/5, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức hội nghị bàn giải pháp kỹ thuật quản lý giảm giá thành sản xuất lợn ngang bằng các nước trên thế giới. Theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, vấn đề cốt yếu để giảm giá thành sản xuất lợn là nâng cao chất lượng con giống và thay đổi phương thức chăn nuôi. Về con giống, năng suất sinh sản của đàn lợn nái trên địa bàn TP đạt bình quân 20,3 con/nái/năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, thời gian tới cần tập trung xây dựng một số cơ sở sản xuất lợn giống thương phẩm chất lượng cao và loại bỏ đàn lợn bố mẹ kém chất lượng. Đồng thời phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư theo quy hoạch.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành sản xuất và phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, lý do dẫn tới lợn hơi rớt giá thê thảm thời gian qua là do phát triển chăn nuôi một cách tự do, thiếu kiểm soát. Hầu như rất ít hộ chăn nuôi ký hợp đồng đảm bảo đầu ra ổn định. Chính vì vậy, đây là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi phải theo định hướng thị trường. Theo ông Đăng, hầu hết các trang trại chăn nuôi theo chuỗi không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng rớt giá hiện nay. “Chúng ta không phải học tập đâu xa, chỉ cần học ngay mô hình chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Hầu hết các DN nước ngoài đầu tư vào chăn nuôi đều theo mô hình khép kín” – ông Đăng cho hay.

Thu mua lợn thịt giá hợp lý cho người chăn nuôi

Ngày 4/5, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Sở Tài chính các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định, đảm bảo thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Sở Tài chính các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát, nắm tình hình cân đối cung - cầu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình UBND tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.

Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng có Công văn số 5717/BTC-QLG khuyến nghị các DN sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi bán sản phẩm ra thị trường cần có sự chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng nhằm đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và DN. Các DN thực hiện điều chỉnh giảm ngay giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố chi phí đầu vào giảm giá và kê khai giá theo quy định. (Nha Trang)