Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi tư duy phục vụ người bệnh

Nhật Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã chuẩn bị gì cho việc điều chỉnh giá viện phí, việc tăng giá này có tác động quá lớn đến “cơm áo gạo tiền” của đa số bệnh nhân?

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã phỏng vấn bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh nội dung này.

Việc điều chỉnh giá viện phí sẽ tác động đến ngành y tế thế nào, thưa bà?

- Bộ Y tế có công văn gửi Hà Nội cũng như 29 tỉnh, TP hướng dẫn việc triển khai thực hiện Thông tư 02 về điều chỉnh giá viện phí từ ngày 1/8 tới. Việc thực hiện Thông tư này là hết sức cần thiết, phù hợp với lộ trình tăng giá dịch vụ KCB theo tinh thần của Nghị định 85 của Chính phủ. Thực hiện Thông tư 02 bảo đảm sự công bằng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, và kích cầu người dân tham gia BHYT, bảo đảm sự bền vững của Quỹ BHYT, hướng tới BHYT toàn dân. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá viện phí cũng giúp cho các BV hướng tới cơ chế tự chủ tài chính, thực hiện lộ trình tự chủ tại các cơ sở KCB. Các BV có thêm nguồn lực để phát triển các kỹ thuật, dịch vụ, triển khai kỹ thuật cao, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh…
Còn đối với người bệnh chưa tham gia BHYT, chắc chắn sẽ là một gánh nặng khi điều trị?

- Việc điều chỉnh giá viện phí đảm bảo tính công bằng về giá giữa các đối tượng. Người bệnh đến viện khám chỉ khác nhau về phương thức chi trả (không có BHYT sẽ chi trả từ tiền túi, có BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả theo tỷ lệ được hưởng). Đối với người dân chưa tham gia BHYT, khi nằm viện chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, nhất là đối với những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, nằm viện dài ngày hoặc những bệnh nhân thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao. Vì vậy, đây là lý do để thúc đẩy người dân tham gia BHYT, đảm bảo lộ trình BHYT toàn dân.

Người dân vẫn băn khoăn chất lượng KCB có tương ứng với khoản tiền bỏ ra?

- Để làm hài lòng người bệnh, các BV sẽ phải thay đổi tư duy từ bao cấp sang tư duy phải phục vụ, coi người bệnh là những “khách hàng đặc biệt”. Sở Y tế đã yêu cầu tất cả các BV tăng cường nâng cao chất lượng KCB, đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tạo khoa khám bệnh, cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nhiều BV cũng đã thành lập Tổ Công tác xã hội, tiến tới thành lập Phòng Công tác xã hội nhằm đón tiếp, tư vấn bệnh nhân tận tình, chu đáo ngay khi người bệnh đến làm thủ tục KCB. Nhiều đơn vị cũng đã tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên BV về quy tắc ứng xử với bệnh nhân, đáp ứng sự hài lòng cho người bệnh.

Xin cảm ơn bà!