Thay đổi tư duy về cạnh tranh

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tình hình môi trường kinh doanh cả trong nước và quốc tế có nhiều biến động, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hoàn thiện thể chế cạnh tranh là để tăng cường tính minh bạch là cấp thiết.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV khai mạc hôm qua (23/10), Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được trình trước Quốc hội.
Thực tế sau 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh (2005), việc xử lý cạnh tranh không lành mạnh vẫn dừng lại ở mức độ khiêm tốn. Trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh mới chỉ điều tra, xử lý được 6 vụ việc hạn chế cạnh tranh, trong đó 4 vụ bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
 Ảnh minh họa
Trong hoạt động kinh doanh, xuất hiện hàng loạt cạnh tranh ở mọi lĩnh vực như các hình thức cạnh tranh khác như lôi kéo dụ dỗ khách hàng của đại lý, DN bảo hiểm khác; lôi kéo nguồn nhân lực cao cấp… Trong lĩnh vực truyền hình trả tiền cũng đang diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tượng cắt cáp của nhau; bù chéo từ dịch vụ này sang dịch vụ kia; một số DN được hưởng các quyền đặc quyền đặc lợi như giảm 50%, 70% giá thuê trụ điện, miễn phí thuê trụ điện, kéo cáp… Thậm chí có trường hợp điển hình vụ Vinapco tự ngừng bán xăng bị phạt hơn 3 tỷ đồng năm 2009.

Dù quy định về pháp luật cạnh tranh đã có khá đầy đủ… tuy nhiên, khó khăn mới đặt ra là với một nền kinh tế mở, với sự ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, vấn đề cạnh tranh không phải chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp, mà còn mở rộng ra ngoài lãnh thổ, liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều quốc gia. Những thay đổi, chuyển biến lớn trong môi trường kinh doanh đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới mà Luật Cạnh tranh 2004 chưa dự liệu hết được.

Như mới đây Hiệp hội Taxi Hà Nội đã từng kiến nghị khẩn cấp dừng thí điểm Uber, Grab vì "gây ra nhiều bất an cho xã hội". Hay vụ việc một hãng taxi truyền thống dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab đã được Bộ Công Thương tiếp nhận, thu thập hồ sơ để xem xét… nhưng vẫn chưa có ý kiến cuối cùng một cách rõ ràng.

Trong thời kỳ hội nhập, yêu cầu về cạnh tranh là vô cùng quan trọng. Quốc gia chỉ có thể tồn tại và cạnh tranh thì mới phát triển và thịnh vượng được. Đặc biệt dù đang tiến tới thị trường nhưng vẫn là thị trường nửa vời vì vẫn còn nhiều biện pháp can thiệp hành chính. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng thì việc thay đổi là bắt buộc, nếu muốn tồn tại và phát triển. Do đó, những quy định tại các điều khoản của Luật rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là phải tăng cường tính minh bạch. Chính sách cạnh tranh phải tạo điều kiện để các DN mới gia nhập ngành, Luật Cạnh tranh nên ủng hộ cho việc tư nhân hóa và quyết định cuối cùng là của người tiêu dùng.