Nhìn nhận một cách khách quan, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động của chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ đang ngày càng lan rộng toàn cầu, kết quả đạt được của nền kinh tế nước ta cho đến nay là rất đáng ghi nhận. Điều đó được thể hiện qua việc Chính phủ đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, nhiều mục tiêu cán đích sớm và Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế như giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có nhiều chuyển biến, phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường…
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm 2019, thời gian để cán đích các mục tiêu đặt ra trong năm nay không còn nhiều. Bởi vậy, trong giai đoạn nước rút này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương. Như Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, địa phương nào chưa hoàn thành tốt thì phải thúc đẩy để hoàn thành tốt, để tăng trưởng năm 2019 không chỉ 6,8%, ngưỡng trên mà Quốc hội giao mà phấn đấu đạt 7%.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những yêu cầu mới đối với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta, mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới, bảo đảm không lỡ nhịp trong phát triển. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khơi thông nguồn lực và phải có khát vọng vươn lên. “Khát vọng này phải ở các cấp, các ngành, lan tỏa đến cộng đồng DN, doanh nhân và từng người dân. Khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống” – Thủ tướng nhấn mạnh. Rõ ràng, để hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước ngày một hùng cường, không chỉ là những lời nói suông mà cần phải đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ. Thay vào đó, tiếp tục đổi mới sáng tạo, đột phá, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng nhấn mạnh đến việc thay đổi tư duy và khơi thông nguồn lực trong bối cảnh nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII đang dần khép lại. Cách đây ít ngày, Thủ tướng cũng đã có bài viết có tựa đề “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc muốn đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy. Nói như GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, quan điểm của Thủ tướng là nếu chúng ta cứ giữ giai đoạn phát triển vừa vừa, với cái bẫy thu nhập trung bình, thì mãi mãi chỉ đủ ăn đủ mặc vừa vừa. Muốn bay lên, không thua kém ai, thì phải có khát vọng, có động lực để thúc đẩy dân tộc đi tới.