Thấy gì từ kết quả kinh doanh của các ngân hàng?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2021 của các ngân hàng đều có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt với nhóm các ngân hàng vừa và nhỏ. Nhiều ngân hàng nhỏ đã về đích kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng. Trong khi đó ở nhóm Big4, Vietcombank và VietinBank đều ghi nhận lợi nhuận giảm ở quý II sau khi tăng mạnh ở quý I.

Ngân hàng nhỏ lợi nhuận vượt ông lớn

Trong quý II/2021 là sự nổi lên của nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ với lợi nhuận tăng trưởng bằng lần như NCB, Vietcapitalbank, Nam A Bank, EximBank, Kienlongbank, Eximbank, Sacombank, MSB, ABBank, Lienvietpostbank... Dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng quý II là Vietcapitalbank với mức tăng gấp 14 lần cùng kỳ; tiếp sau là NCB với mức tăng trưởng 12 lần. Nam Á Bank cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý II lên tới 10,5 lần cùng kỳ năm trước. 

 Ảnh minh hoạ

Trong cuộc đua lợi nhuận quý II có thể thấy sự tụt lại của 2 ông lớn quốc doanh là Vietcombank hay VietinBank. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý II của Vietinbank chỉ ở mức 2.790 tỷ đồng, giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2020. Còn Vietcombank quý II/2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.938 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nguyên nhân lợi nhuận quý II của 2 ngân hàng này sụt giảm khá mạnh chủ yếu do chi phí dự phòng tăng vọt. VietinBank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 7.106 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Vietcombank cũng tăng mạnh trích lập dự phòng tăng 73% lên mức 3.225 tỷ đồng. Tăng trích lập dự phòng có thể làm suy giảm lợi nhuận của nhóm các ngân hàng lớn, nhưng lại là "của để dành" trong những tháng cuối năm khi nợ xấu được tích cực thu hồi.

BCTC quý II/2021 của các ngân hàng cho thấy: Đa phần các ngân hàng có quy mô tài sản lớn, dẫn đầu hệ thống đều tăng mạnh trích lập dự phòng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của một số ngân hàng quốc doanh trong quý II còn lớn hơn cả lợi nhuận trước thuế như: BIDV tăng chi phí dự phòng rủi ro lên tới 8.251 tỷ đồng, gần gấp đôi con số lợi nhuận quý II; hay Agribank chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng mạnh tới 94% lên 12.650 tỷ đồng. Trong khi các nhóm quy mô tài sản, vốn hoá lớn tăng mạnh trích lập dự phòng thì nhóm ngân hàng nhỏ lại giảm mạnh trích lập dự phòng như: Bac A Bank, Eximbank, Nam A Bank, MSB, NCB, SCB, Sacombank. 

Nhiều ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán

Theo BCTC hợp nhất quý II/2021 của Techcombank, ngân hàng báo lãi trước và sau thuế quý II/2021 tăng 66% so với cùng kỳ, đạt lần lượt gần 6.018 tỷ đồng và gần 4.807 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ 1.457 tỷ đồng, tăng gần 24%; lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán 554,7 tỷ đồng, tăng gần 136%; lãi thuần từ hoạt động khác 447,7 tỷ đồng, tăng 10,6%. 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động chính tại Techcombank tăng đến 56%, đem về hơn 12.708 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Trong đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 47% đạt 1.166 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 19% đat gần 197 tỷ đồng.

Cũng "bội thu" từ hoạt động ngoài lãi là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Trong quý II/2021, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư, kinh doanh tăng 52% so với cùng kỳ, đạt 329 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán, góp vốn đầu tư dài hạn hơn 1.000 tỷ đồng và từ hoạt động kinh doanh khác đạt 1.859 tỷ đồng, lần lượt tăng 42,7% và tăng 139%...

VietABank trong tổng thu nhập hoạt động 6 tháng, thu nhập lãi thuần tăng 11,4% đạt 644 tỷ, lãi từ đầu tư chứng khoán tăng 36% đạt 23,6 tỷ, lãi từ hoạt động khác tăng 66,8% đạt 83 tỷ đồng. Tại Sacombank, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 17 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ hơn 50 tỷ. Tương tự, ngân hàng TMCP Phương Đông OCB hoạt động mua bán chứng khoán của OCB tăng rất mạnh trong quý II/2021: Mua bán chứng khoán kinh doanh báo lãi gấp 17 lần cùng kỳ năm 2020, mua bán chứng khoán đầu tư lãi gấp 2-3 lần và lãi từ hoạt động khác tăng 68%. 

Các chuyên gia đánh giá, báo cáo tài chính quý II/2021 của các ngân hàng công bố cho thấy, thu nhập khác từ hoạt động đầu tư - kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng đạt mức tăng trưởng cao khi thị trường cổ phiếu liên tục tăng, VN-Index vượt mốc lịch sử 1.400 điểm.

Bên cạnh đó là kênh đầu tư trái phiếu. Bao gồm: trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các công cụ phái sinh có tính an toàn cao. Trong đó, trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp lớn là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Đây là một kênh đầu tư vào những tài sản sinh lợi góp phần đảm bảo dự trữ thanh khoản. Chính vì vậy, trong năm qua hầu hết các phiên phát hành trái phiếu Chính phủ đều có có khối lượng giao dịch đạt 100%.

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, chứng khoán đầu tư không chỉ giúp ổn định thu nhập, mà các ngân hàng còn có thể mua và giữ lại để cân bằng rủi ro. Thêm nữa, chứng khoán đầu tư còn dễ dàng mua và bán, nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung.