Nghiên cứu mở rộng cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có động thái chính thức đầu tiên liên quan đến chủ trương mở rộng cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn. Đây là một trong những dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 hoàn thành và đưa vào khai thác sớm nhất.
Cụ thể, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Thăng Long tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn. Theo đó, Ban QLDA Thăng Long được giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo đề xuất chủ trương dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2024.
Bộ GTVT nhấn mạnh, Ban QLDA Thăng Long có trách nhiệm tận dụng toàn bộ các kết quả đã nghiên cứu (nếu có) và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Được biết, dự án sẽ được nghiên cứu mở rộng theo quy mô hoàn chỉnh (6 làn xe). Nguồn vốn đầu tư được đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách. Trong trường hợp kiến nghị vốn được Quốc hội thông qua thì dự kiến vào khoảng tháng 2/2024, chủ trương đầu tư mở rộng dự án sẽ được trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Trước đó, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất xem xét đầu tư xây dựng mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn theo quy mô 6 làn xe, hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Sở GTVT tỉnh Ninh Bình đưa ra phương án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn lên 6 làn xe, tuyến chính sẽ được mở rộng thêm 15,75m nền đường, đảm bảo quy mô bề rộng nền đường 32,75m; bề rộng mặt đường là 22,5m. 4 vị trí công trình cầu sẽ đầu tư bổ sung thêm một đơn nguyên gồm: cầu Cao Bồ, cầu Cẩm, cầu vượt QL10, cầu Quán Vinh.
Đáng chú ý, với phương án trên, tổng mức đầu tư cho dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn khoảng 2.076 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng ước hơn 1.700 tỷ đồng; Chi phí QLDA, tư vấn, chi phí khác khoảng 123 tỷ đồng; Chi phí dự phòng: 189 tỷ đồng.
Phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn lực
Được biết, dự án cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn giai đoạn 1 có mức đầu tư dự án là 1.607 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội.
Như vậy, với phương án mà Sở GTVT tỉnh Ninh Bình đưa ra, tổng số tiền để mở rộng cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn đắt gần bằng 1,5 lần so với chi phi xây dựng ban đầu tuyến đường này. Đó là chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng do cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn đã được giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe ngay từ giai đoạn đầu triển khai.
Trước đó, trả lời báo chí bên lề Hội nghị Sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An ngày diễn ra vào đầu tháng 9/2023, ông Lê Đình Thọ – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, tốc độ khai thác tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đang thực hiện theo tiêu chuẩn và quy trình khai thác.
“Đây là giữa vận tốc thiết kế và vận tốc khai thác, qua thời gian đánh giá sẽ xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp, tăng năng lực vận hành. Còn thời gian điều chỉnh thì sẽ có đánh giá lại trước khi thực hiện” – ông Lê Đình Thọ nói.
Trả lời về việc một tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông mới đưa vào khai thác chưa lâu nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và cần được đầu tư mở rộng, điển hình là cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, về chủ trương chung thì do nguồn lực có hạn nên cần phải có những giải pháp để gia tăng hiệu quả đầu tư.
“Ví dụ như chúng ta tập trung giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, phân kỳ đầu tư phần xây lắp nhưng khi nguồn lực đã tích lũy được chúng ta tiếp tục mở rộng để đảm bảo năng lực khai thác” – ông Lê Đình Thọ nói và cho biết thêm rằng việc ưu tiên mở rộng tuyến cao tốc nào trước sẽ cần phải tính toán dựa trên hiệu quả, tăng năng lực vận tải và đảm bảo vấn đề an toàn.
Ai sai phải xử nghiêm
Trên thực tế, cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn không phải tuyến cao tốc duy nhất mới đưa vào khai thác được một thời gian đã phải tính đến phương án mở rộng. Ba tuyến cao tốc khác gồm Trung Lương – Mỹ Thuận, Cam Lộ – La Sơn và La Sơn – Túy Loan cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế khi đưa vào khai thác chưa được bao lâu và nhu cầu mở rộng là rất cấp thiết.
Trong đó, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào khai thác từ tháng 8/2022 nhưng đến tháng 8/2023, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về việc mở rộng tuyến đường này lên 6 làn xe. Theo đơn vị quản lý, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 dự kiến cần 11.800 tỷ đồng để mở rộng lên 6 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Hiện cao tốc này đã được giải phóng mặt bằng hơn 32m, đáp ứng xây 6 làn xe.
Trong khi đó, cao tốc Cam Lộ – La Sơn thậm chí đưa vào khai thác sau cả cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (tháng 1/2023) song do chỉ được đầu tư quy mô 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, nền đường rộng 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m nên chỉ sau một thời gian ngắn vận hành đã bộc lộ nhiều vấn đề về an toàn giao thông cũng như năng lực vận hành. Bởi vậy, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Chính phủ sớm đầu tư tuyến đường cao tốc này lên 4 làn xe.
Tương tự, cao tốc La Sơn – Túy Loan cũng chỉ có quy mô 2 làn xe, nền đường 12m, không có dải phân cách giữa, phương tiện lưu thông tốc độ tối đa 60km/h. Để đảm bảo an toàn giao thông và tăng khả năng khai thác cho tuyến đường này, Bộ GTVT đang nghiên cứu mở rộng nền đường 23m, 4 làn xe cơ giới. Theo tính toán, chi phí đầu tư để hoàn thiện cao tốc La Sơn - Túy Loan từ 2 làn xe lên 4 làn xe khoảng 3.011 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là chi phí xây dựng.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn lực xã hội hóa hạn chế thì việc các tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư là là chủ trương đúng. Tuy nhiên, khi một dự án mới đưa vào khai thác, chưa hết thời gian bảo hành mà đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế buộc phải mở rộng thì rõ ràng là đơn vị tư vấn dự án có vấn đề.
“Có thể khẳng định lỗi do đơn vị thiết kế, do năng lực yếu kém của đơn vị thiết kế” – PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế khẳng định và cho rằng cần có biện pháp xử lý những đơn vị liên quan thì mới bảo đảm tính răn đe và không để lặp lại vấn đề này ở những dự án sau.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, việc nhiều tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác một thời gian ngắn đã bộc lộ hạn chế cho thấy việc dự báo lưu lượng phương tiện chưa chính xác, một số tuyến cao tốc có tốc độ tăng lưu lượng xe quá nhanh, vượt công suất dự báo nên phải mở rộng đường.
“Nếu dự báo đúng lưu lượng xe tăng cao trong thời gian ngắn thì Nhà nước có thể sắp xếp vốn đầu tư đường quy mô hoàn chỉnh, thay vì phân kỳ đầu tư tốn kém hơn” – PGS.TS Trần Chủng nhận định.
Theo tiêu chuẩn đối với cao tốc cho phép chạy tối đa 100km/h, làn xe chạy phải là 3,75m, làn dừng khẩn cấp phải tối thiểu 3m. Lưu lượng xe cộ qua lại đoạn này khoảng 10.000 lượt/ngày đêm. Tuy nhiên, các tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn - QL45 (từ km259 đến nút giao QL45), tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận (từ km39+750 đến km1001+126), tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tuyến Nha Trang - Cam Lâm có bốn làn xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Đặc biệt, đoạn Cam Lộ - La Sơn chỉ có hai làn xe chạy, bề rộng mặt đường 23m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, cứ 10km là bố trí một điểm vượt. Cao tốc này chỉ tương đương đường cấp 3 đồng bằng.