Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thầy giáo tật nguyền vượt lên số phận

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mùa xuân năm 1975, bà Anh đã hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh mang tên Phạm Thế Minh.

KTĐT - Mùa xuân năm 1975, bà Anh đã hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh mang tên Phạm Thế Minh. Chỉ có điều đứa con bụ bẫm ấy lại bị khuyết tật, hai bàn chân cứ teo dần đi.

Không đầu hàng số phận, một chàng trai mang di chứng tàn khốc của chiến tranh, bị bại liệt từ nhỏ đã nỗ lực học tập và bồi đắp kiến thức, mở Trung tâm tin học - ngoại ngữ đào tạo gần 1.000 học viên...

Mang di chứng tàn khốc của chiến tranh, bị bại liệt từ nhỏ nhưng Phạm Thế Minh không đầu hàng số phận, anh đã nỗ lực học tập, bồi đắp kiến thức. Hiện anh là Giám đốc Trung tâm tin học - ngoại ngữ Ánh Dương (An Dương, Hải Phòng), đào tạo gần 1.000 học viên về ngoại ngữ, tin học, đồ họa, trong đó có hàng chục học viên là người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam.

Di chứng tàn khốc của chiến tranh

Phạm Thế Minh sinh ra trong gia đình có bố và mẹ đều công tác trong lực lượng Quân đội. Cha của anh, ông Phạm Sỹ Mẩu vốn là một sỹ quan thuộc đơn vị pháo phòng không không quân. Còn mẹ của anh, bà Vũ Thị Anh - một công nhân viên quốc phòng, đồng thời là một nghệ sỹ văn công phục vụ tại các mặt trận. Năm 1973, hai ông bà phục viên và lấy nhau. Về địa phương, ông Mẩu làm việc trong tổ cơ khí của hợp tác xã. Trong suốt 13 năm liền, ông giữ chức Bí thư Chi bộ thôn An Bình, xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng.

Mùa xuân năm 1975, bà Anh đã hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh mang tên Phạm Thế Minh. Chỉ có điều đứa con bụ bẫm ấy lại bị khuyết tật, hai bàn chân cứ teo dần đi. Hơn nữa, Minh hơi chậm nói so với các bạn đồng lứa. Hai ông bà nhìn cậu con trai mà lòng đau như đứt từng khúc ruột. Nhiều đêm, ông Mẩu thở dài, suy tư với câu hỏi: Tại sao con mình lại như vậy? Rồi đến một ngày ông hiểu ra rằng mình đã bị nhiễm chất độc da cam do kẻ thù rải xuống nước ta. Theo sự di truyền, Minh đã bị lây nhiễm từ người cha. Năm 1978, bà Anh sinh thêm một con gái đặt tên là Phạm Thị Hoa.

Hằng ngày, dù trời mưa hay nắng, tấm lưng gầy của người cha vẫn đều đều cõng con trai đến trường học, tìm đến tri thức. Thương cha mẹ vất vả, Minh đã rất nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập. Suốt thời học sinh, cậu bé ấy liên tục đạt danh hiệu học sinh khá và giỏi.

Lên cấp 3, Minh học tại Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện An Dương. Cảm phục trước sự ham học và nghị lực của Minh, các bạn cùng lớp đã thay phiên nhau cõng cậu bạn tật nguyền đến lớp. Lúc này, Minh đã ý thức được hoàn cảnh của mình. Do đó, cậu đã quyết tâm tập xe đạp để có thể chủ động đi lại. Sau gần một tháng kiên trì tập luyện, không ít lần ngã xe đến chảy máu, Minh đã có thể tự mình đạp xe. Cũng từ đó, chiếc nạng gỗ là vật bất ly thân, song hành cùng anh trên mọi nẻo đường.

Khát vọng tuổi trẻ

Ý thức hoàn cảnh của mình, Minh ấp ủ quyết tâm thi vào Khoa Tiếng Anh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau một thời gian miệt mài đèn sách, trong kỳ thi năm 1994, cậu đã đỗ đại học với số điểm khá cao, 29 điểm/3 môn gồm: Toán, Văn học và Tiếng Anh.

Nhưng khó khăn lắm Minh mới xin được vào dạy hợp đồng tại Trung tâm Dạy nghề huyện An Dương. Sau đó, trung tâm mở thêm cơ sở 2 gần nhà của Minh. Nhưng do hoạt động không hiệu quả, cơ sở này đã bị giải thể - Minh thành người thất nghiệp. Những học sinh từng học Minh rất muốn anh tiếp tục truyền đạt kiến thức nên đã vận động anh mở lớp tại nhà. Vậy là, từ năm 1998 đến 2007, Minh đã tiếp tục công việc bổ túc kiến thức cho các em học sinh trước các kỳ thi. Mong muốn của anh là truyền đạt kiến thức miễn phí, tạo điều kiện cho những người khuyết tật còn có khả năng học tập và lao động, tái hoà nhập với cộng đồng. Anh đã mạnh dạn vay 50 triệu của bạn bè, gia đình lập một cơ sở riêng đặt tên là Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ Ánh Dương. 

Từ khi thành lập đến nay, tuy thời gian hoạt động chưa lâu nhưng trung tâm đã đào tạo được gần 1.000 học viên với các lĩnh vực như: ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn), tin học văn phòng, đồ họa, photoshop. Đặc biêt, trung tâm còn có những giờ học ngoại khóa dạy kĩ năng sống. Chính Phạm Thế Minh là người đã đào tạo 61 người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, giúp họ tìm được việc làm ở khu công nghiệp, ổn định cuộc sống với mức lương khá.

Hiện Minh là Chủ  tịch Công đoàn HTX Người tàn tật tự lực huyện An Dương. Đồng thời, anh còn là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Vừa qua, từ ngày 15 đến 16/5/2009, Minh cùng 15 nhân chứng đại diện cho 3 miền đất nước bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin tham dự Toà án Lương tâm nhân dân quốc tế tổ chức tại thủ đô Paris, trung tâm văn hoá của châu Âu. Tại phiên toà đầy tính nhân văn đó, trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế, chàng trai Phạm Thế Minh tự tin nói về hậu quả thảm khốc và nỗi đau của những nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin ở Việt Nam bằng tiếng Anh trước sự ngỡ ngàng và khâm phục của những người tham dự. Sắp tới, Minh sẽ tham gia đoàn vận động vì nạn nhân da cam Việt Nam trên 17 bang của nước Mỹ. 

Với Minh, cuộc sống là không ngừng cố gắng. Như câu slogan của trung tâm do anh viết nên: “We help create your life” (Chúng tôi giúp các bạn lập thân, lập nghiệp). Minh luôn lạc quan, hy vọng vào ngày mai tươi sáng với nụ cười luôn nở trên môi.