Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới ngập trong nợ nần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu có thể không được chính xác tuyệt đối nhưng không ảnh hưởng gì đến những thông điệp và kết luận có thể rút ra được từ những số liệu ấy trong công trình nghiên cứu của hãng tư vấn McKinsey.

Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Toàn cầu của hãng này (MGI) vừa đưa ra bức tranh về tình trạng nợ nần của cả thế giới. Lần đầu tiên, MGI nghiên cứu không chỉ có vay nợ của nhà nước mà còn cả giới kinh tế và các hộ gia đình. Thế giới ngập trong nợ nần là đánh giá của McKinsey, bất kể nhà nước hay doanh nghiệp hoặc tư nhân, bất kể ở châu Mỹ hay châu Âu hoặc châu lục nào khác, bất kể nước công nghiệp phát triển hay quốc gia mới nổi hoặc nước đang phát triển.

Theo McKinsey, năm 2000, tổng mức vay nợ của thế giới là 87.000 tỷ USD, năm 2007 là 142.000 tỷ USD, đến quý II/2014 đã lên tới 199.000 tỷ USD. Năm 2007, tổng vay nợ của thế giới bằng 269% GDP của cả thế giới thì đến quý II/2014, tỷ lệ này đã tăng tới 286%. Theo lý thuyết thông thường, lẽ ra khủng hoảng tài chính mới rồi buộc tất cả phải giảm mức vay nợ, nhưng trên thực tế lại không có vậy.

McKinsey là một trong những thương hiệu nổi tiếng và quyền uy nhất thế giới về tư vấn chính sách. Nó phát đi thông điệp cảnh báo đối với tất cả về tình trạng vay nợ cao của thế giới. Phải nhìn nhận chung cả vay nợ của nhà nước với vay nợ của giới kinh tế và cá nhân như thế mới có thể đánh giá đúng thực trạng và triển vọng tài chính của từng quốc gia. Ở đây cũng lại cần phải phân tách rõ tác động của vay nợ. Vay nợ thấp của nhà nước không giúp ích được gì nhiều nếu như mức vay nợ của giới kinh tế và tư nhân cao. Nhưng nhà nước có thể chấp nhận mức vay nợ cao nếu như đấy không phải là vay nợ của nước ngoài mà là vay nợ thông qua trái phiếu được người dân trong nước chấp nhận. Tuy nhiên sẽ rất nguy hại khi vay nợ cao mà tăng trưởng kinh tế không cao - như hiện tại trên thế giới. Theo McKinsey, thế giới chưa thể cải thiện được thực trạng này từ nay cho tới ít nhất năm 2019.