Thế giới nổi bật năm 2019: Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS Baghdadi, 1/5 “lá phổi hành tinh” Amazon bốc cháy

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới năm 2019 ghi nhận nhiều sự kiện quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc thủ lĩnh IS bị tiêu diệt và thảm họa cháy rừng Amazon là hai trong số những sự kiện nổi bật nhất năm 2019.

Năm 2019 đang dần khép lại với nhiều biến động, thời khắc lịch sử trên phạm vi toàn cầu. Thế giới trong năm cuối cùng của thập kỷ tiếp tục chứng kiến những động thái mới trên bán đảo Triều Tiên, chiến sự ở Syria hay cuộc thương chiến Mỹ - Trung…
Dưới đây là tổng hợp những sự kiện, vấn đề thu hút sự chú ý lớn nhất trong năm 2019:
Thủ lĩnh khét tiếng của IS đã bị tiêu diệt 
Thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trong một cuộc tập kích ở tây bắc Syria vào ngày 27/10.
 Thủ lĩnh của IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Trùm khủng bố IS bị tiêu diệt giữa lúc tình hình Syria đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới với quyết định rút quân bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và chiến dịch Mùa xuân Hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ phát động hai tuần ở phía bắc Syria.
 
Cháy rừng Amazon
Rừng Amazon ở Brazil năm nay đã hứng chịu hàng nghìn đám cháy, khiến khói lan rộng một nửa đất nước, và tràn sang các quốc gia láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu dân.
 Rừng Amazon ở Brazil hứng chịu hàng nghìn đám cháy trong năm 2019.
Gần 80.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, cao nhất trong gần 1 thập kỷ, và một nửa trong đó xảy ra tại rừng mưa Amazon, nơi được coi là "lá phổi xanh" của hành tinh.
Thảm họa cháy rừng Amazon thu hút sự quan tâm của cả thế giới trong khi chính phủ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị chỉ trích là phản ứng chậm chạp trước thảm họa.
Quan hệ Mỹ - Triều lại căng thẳng

Sau một năm ghi nhận những tín hiệu nồng ấm, mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã có dấu hiệu nguội lạnh trở lại trong năm 2019.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un trong cuộc gặp ở khu phi quân sự liên Triều cuối tháng 6/2019.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chọn thủ đô Hà Nội để họp thượng đỉnh lần hai từ ngày 26-27/2. Cuộc gặp được kỳ vọng tạo đột phá, ra tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và có bước đi thực chất hướng tới phi hạt nhân. Tuy nhiên, do bất đồng về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt và các cơ sở hạt nhân khiến hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên không ra được tuyên bố chung.
Cuộc gặp ngẫu hứng tại biên giới liên Triều hôm 30/6 nhen nhóm hy vọng "tình bạn" giữa hai lãnh đạo có thể tạo thay đổi. Nhưng các cuộc thảo luận cấp chuyên viên hôm 5/10 kéo dài 8 giờ vẫn không đạt tiến triển. Đến đầu tháng 12, Triều Tiên mất kiên nhẫn, tuyên bố chấm dứt đàm phán phi hạt nhân và cảnh báo Mỹ về một "món quà Giáng sinh".
Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch quân sự tại Syria
Ankara ngày 9/10 phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình nhằm đẩy lùi lực lượng dân quân người Kurd (YPG) khỏi biên giới phía bắc Syria, sau khi Mỹ đột ngột rút quân theo lệnh của Tổng thống Donald Trump. Sự kiện này khiến Mỹ bị chỉ trích là bỏ rơi đồng minh người Kurd vốn đã “kề vai sát cánh” cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) suốt nhiều năm.
 Ankara hôm 9/10 phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình tại phía bắc Syria.

Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình sau đó kết thúc nhờ thỏa thuận được ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ 2 tuần sau đó. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là đã làm thay đổi cán cân trong bàn cờ chính trị ở Syria. 

Boeing 737 MAX chở 157 người gặp nạn
Máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn hôm 10/3, khiến 149 hành khách và 8 thành viên tổ bay đã thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn thứ hai của dòng máy bay 737 MAX trong chưa đầy 6 tháng.
 Máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn hôm 10/3.
Vụ tai nạn khiến toàn bộ máy bay 737 MAX trên toàn thế giới bị cấm bay suốt hơn 9 tháng qua, đẩy Boeing vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Ngày 15/12, Boeing buộc phải thông báo tạm ngừng sản xuất 737 Max. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm Boeing ngừng sản xuất mẫu phi cơ bán chạy nhất.
Xả súng tại New Zealand
51 người thiệt mạng trong vụ xả súng đẫm máu nhằm vào các thánh đường Hồi giáo ở TP Christchurch của New Zealand hôm 15/3. Thánh đường Al Noor ở trung tâm Christchurch là địa điểm đầu tiên hung thủ Brenton Tarrant  xả súng vào các tín đồ Hồi giáo đến cầu nguyện trong buổi lễ vào Thứ Sáu hằng tuần. Sau đó, thủ phạm tiếp tục đến thánh đường ở khu vực ngoại ô Linwood xả súng vào các tín đồ tại đây.
 Vụ xả súng đẫm máu nhằm vào các thánh đường Hồi giáo ở TP Christchurch của New Zealand hôm 15/3 khiến 51 người thiệt mạng.
Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử New Zealand hiện đại. Hung thủ là người Australia, tự nhận y là người ủng hộ thuyết "người da trắng thượng đẳng". Kể từ sau vụ xả súng, chính phủ New Zealand đã xúc tiến siết chặt các luật về súng đạn và đang xem xét lại các qui định về xử lý những phát ngôn thù hận,
Thương chiến Mỹ  - Trung tăng nhiệt
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt từ tháng 5, khi Tổng thống Donald Trump nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh phá bỏ thỏa thuận đã cam kết. Sau các lần áp thuế, giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau lần lượt là 550 tỷ USD và 185 tỷ USD.
 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt từ tháng 5.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo nhất trí tạm "đình chiến". Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đạt kết quả. Mỹ cáo buộc Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ", cảnh báo sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh ngưng mua một số mặt hàng nông sản Mỹ, áp thuế 10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Tháng 10, Washington và Bắc Kinh lại đình chiến để đàm phán. Đến ngày 13/12, hai cường quốc kinh tế thế giới tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán cuộc chiến thương mại có thể kéo dài tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, do hai bên chưa giải quyết được những bất đồng quan trọng.
Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời Venezuela
Dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và một số nước đồng minh, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido ngày 23/1 tự xưng là tổng thống lâm thời, thách thức quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro. Venezuela bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng chính trị sau thời gian dài nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ với tỷ lệ lạm phát ước tính lên tới 10 triệu % vào năm nay.
  Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido
Guaido đã tìm mọi cách để lật đổ Maduro, từ nhận viện trợ của nước ngoài cho đến kêu gọi binh sĩ đảo chính, nhưng không thành công. Tổng thống Venezuela vẫn nhận được sự hậu thuẫn của quân đội và các đồng minh như Nga, Trung Quốc, Cuba. Chính phủ Venezuela sau đó nỗ lực đàm phán với phe đối lập để giải quyết khủng hoảng, nhưng hai bên chưa đạt được thỏa thuận.
Khủng hoảng chính trị Venezuela cho thấy phong trào "Thủy triều hồng" thập niên 2000 ở Nam Mỹ đã lắng xuống. Kinh tế sa sút nghiêm trọng, bất bình đẳng, tham nhũng gia tăng, người dân ngày càng bất mãn với chính quyền. Hàng loạt lãnh đạo cánh tả đánh mất quyền lực, như cựu tổng thống Brazil Lula, cựu tổng thống Ecuador Rafael Correa, cựu tổng thống Argentina Nestor Kirchner. Gần đây nhất, hôm 10/11, tổng thống Bolivia Evo Morales cũng buộc phải từ chức.
Tiến trình Brexit dai dẳng của Anh

Việc thực hiện tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi là Brexit, vẫn là một bài toán đau đầu đối với xứ sở sương mù. Hôm 20/12, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật thoả thuận rút lui, mở đường cho Anh rời EU vào 31/1/2020.

 Tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vẫn tồn tại nhiều tranh cãi. 

Trước đó, với thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 12/12, Thủ tướng Boris Johnson được đánh giá sẽ có nhiều thuận lợi trong việc giải quyết dứt điểm Brexit. Bà Theresa May, người tiền nhiệm của ông Johnson, hồi tháng 5 đã phải tuyên bố từ chức. 

Iran thu hẹp cam kết trong JCPOA
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani hôm 22/12 đã cảnh báo rằng Tehran sẽ tiến hành bước đi thứ 5 nhằm thu hẹp các cam kết của họ theo Tthỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là JCPOA, nếu các nước châu Âu vốn tham gia ký thỏa thuận này không có những biện pháp thiết thực để cứu vãn thỏa thuận.
 Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Từ đầu tháng 7/2019 đến nay, sau nhiều nỗ lực kêu gọi các bên còn lại của JCPOA giúp Iran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà không thu được những kết quả như mong đợi, Iran đã 4 lần điều chỉnh giảm phạm vi tuân thủ JCPOA. Trước đó, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần