Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới thay đổi sau thảm họa tại Nhật Bản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đã gần một tháng trôi qua, kể từ khi trận động đất và sóng thần hôm 11/3 tàn phá vùng Đông Bắc Nhật Bản.

KTĐT - Đã gần một tháng trôi qua, kể từ khi trận động đất và sóng thần hôm 11/3 tàn phá vùng Đông Bắc Nhật Bản.

Các nhà phân tích đều cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác hậu quả mà thảm hoạ này gây ra cho nước Nhật nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra tại đất nước "mặt trời mọc" đã phần nào thay đổi thế giới.


Bài học về ứng xửtrong thảm họa


Trước hết là cách mà người Nhật đón nhận và đương đầu với thảm họa. Thay vì hình ảnh hỗn loạn thường thấy tại nhiều quốc gia khác khi thiên tai đột ngột xảy ra, người dân Nhật từ trẻ em cho đến người già vẫn hành động một cách có kỷ luật. Joseph Nye - Giáo sư của Đại học Harvard nhận định: Cách hành xử của người Nhật đã trở thành bài học cho nhiều nước trên thế giới khi phải đương đầu với những thảm hoạ tương tự. Sau khi thảm hoạ xảy ra, Chính phủ Nhật Bản đã hoạt động 24/24 giờ nhằm chỉ đạo công tác cứu hộ và khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.


Cách nhìn mới về điện hạt nhân


Đặc biệt, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima I đã gây ra một mối lo ngại mơ hồ nhưng rất thực tế ở nhiều quốc gia. Chuyên gia hạt nhân Nhật Bản Takashi Hirose nhận định:"Phía sau cây Fukushima I còn cả một khu rừng". Theo tính toán, 1 KW điện làm từ điện hạt nhân chỉ đứng hàng thứ 5 về giá cả, mức giá rẻ nhất so với nhiệt điện, thuỷ điện,... Chính ưu điểm về giá này đã khiến nhiều quốc gia quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Canada đã bắt đầu các chương trình hạt nhân vào năm 1944 và xây dựng các lò phản ứng đầu tiên vào năm 1947. Tại Pháp, 58 lò phản ứng hạt nhân cung cấp hơn 80% điện năng của nước này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật đã buộc nhiều quốc gia phải xem xét chiến lược năng lượng của mình. Đức - từ một quốc gia xuất siêu đã trở thành nước nhập siêu điện khi Thủ tướng Angela Merkel ra lệnh đóng cửa 7 nhà máy điện hạt nhân. Trong một diễn biến mới nhất, Công ty Điện lực Quốc gia Bulgaria (NEK) cho biết, nước này và Nga đã ký một bản ghi nhớ để ngừng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Belene công suất 2.000 MW tại Bulgaria trong vòng 3 tháng. Chính phủ Anh cũng đã hoãn tạm thời việc phê chuẩn các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo của nước này ít nhất trong 3 tháng để rút kinh nghiệm từ sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukusima I.


Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng


Mặc dù, Nhật Bản đã bị Trung Quốc vượt mặt để trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, tuy nhiên, thảm hoạ tại Nhật lại có tác động to lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Việc các nhà máy sản xuất phụ tùng tại Nhật Bản phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên nhiên liệu khiến ngành công nghiệp sản xuất ô tô thế giới bị thiệt hại nặng nề. Nhiều hãng ô tô lớn đã phải ngừng lắp rắp tại Mỹ, Canada, Mexico, Ấn Độ,... do thiếu linh kiện. Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại ngành lắp ráp điện tử sẽ gặp khó khăn do Nhật Bản là quốc gia sản xuất chíp và linh kiện tốt nhất thế giới.


Trước hiện trạng này, nhiều nhà kinh tế lo ngại về khả năng diễn ra làn sóng tìm kiếm các nguồn cung cấp phụ tùng ngoài lãnh thổ Nhật Bản của các tập đoàn sản xuất lớn. Ngoài ra, thảm hoạ tại Nhật còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia. Ngân hàng ANZ dự báo, thương mại của Nhật với các nước châu Á như Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Phillippines sẽ giảm đi khi chi tiêu của người Nhật giảm và nguồn cung bị gián đoạn. Một số quốc gia chuyên xuất các mặt hàng như quặng sắt, than đá, khí tự nhiên, hàng tiêu dùng cho Nhật Bản như Indonesia, Australia, Việt Nam,... sẽ bị thiệt hại do nhu cầu bị thu hẹp.


Tuy nhiên, việc Nhật Bản bắt tay vào tái thiết đất nước cũng đem lại cơ hội cho nhiều quốc gia. Peter Ruschmeier, chuyên gia của Barclays Capital cho rằng: "Nỗ lực phục hồi của Nhật Bản có thể sẽ tạo ra chất xúc tác cần thiết để tái khởi động chu kỳ ảm đạm của thị trường nhà đất, khiến nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng mạnh và ổn định như gỗ, vật liệu dẻo và các bản thiết kế cho một trong những thị trường nhà gỗ lớn nhất thế giới".