Thế giới trong tuần: Canada “mắc kẹt” giữa Mỹ và Trung Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng Canada - Trung Quốc tăng nhiệt và Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết về Dòng chảy phương Bắc 2 là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Căng thẳng Canada - Trung Quốc tăng nhiệt
Ngày 13/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận hai công dân Canada là ông Michael Spavor và Michael Kovrig đang bị bắt giữ, với nghi án có "những hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc".
Động thái này được giới phân tích ngầm hiểu là hệ quả của sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc, sau khi Ottawa bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu.
Hiện bà Mạnh Vãn Chu đã được phép bảo lãnh tại ngoại.
Rõ ràng Canada đang “kẹt cứng” giữa hai cường quốc và trở thành nạn nhân mà Bắc Kinh nhắm vào khi không thể giải quyết trực diện với Mỹ. Về lý, Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Điều đó có nghĩa là Canada không phải bên trực tiếp mâu thuẫn với Trung Quốc. Nhưng xét theo các động thái gần đây, dường như phía Bắc Kinh lại chĩa mùi dìu về phía Ottawa hơn cả.
Trong diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 14/12 kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho 2 công dân Canada đang bị Bắc Kinh giam giữ. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington với người đồng cấp Canada Chrystia Freeland, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng vụ bắt giam 2 công dân Canada là "trái pháp luật" và “không thể chấp nhận được”.
Trước đó, hôm 11/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm mờ ranh giới giữa vấn đề chính trị và pháp lý khi trả lời phỏng vấn trên Reuters rằng ông sẽ cân nhắc can thiệp vào vụ việc của bà Mạnh nếu việc thái này có lợi cho an ninh quốc gia và giúp ích cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Sau khi bị bắt giữ hôm 1/12 do Mỹ cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt lên Iran, bà Mạnh Vãn Chu đã được phép bảo lãnh tại ngoại. Tòa án tỉnh British Columbia, Canada quyết định cho phép “Công chúa Huawei” được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác.
Về quan hệ Mỹ-Trung, sau khi khó khăn mới đạt được thỏa thuận "đình chiến thương mại" 90 ngày trong bữa tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế G20, giới quan sát cho rằng hai bên đều đang hướng tới đảm bảo mọi xung đột cần được kiểm soát.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định có thể can thiệp vào vụ Huawei thì phía Bắc Kinh cũng lên kế hoạch thay thế dự án "Made in China 2025" bằng một phiên bản ít tranh cãi hơn, với mục đích làm dịu căng thẳng với Mỹ.
Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết về Dòng chảy phương Bắc 2
Ngày 12/12, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng dự án này đe dọa an ninh năng lượng châu Âu, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của Ukraine trong hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu. Điện Kremlin coi nghị quyết này là ví dụ điển hình của sự “cạnh tranh không lành mạnh”.
Ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích nghị quyết của Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi ngừng thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2. 
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bà Zakharova nhấn mạnh, việc châu Âu - nơi đang rất cần nguồn cung năng lượng - phản đối hợp tác năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và hình thức hợp tác năng lượng là sự điên rồ.
Nga nhiều lần kêu gọi không coi đường ống dẫn khí đốt như công cụ gây ảnh hưởng. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, Moscow coi dự án này thuần túy mang tính chất kinh tế.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng âm mưu của Mỹ nhằm làm suy yếu dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 do Nga hậu thuẫn là một ví dụ minh chứng cho sự cạnh tranh không công bằng. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Chúng tôi đánh giá đây là tuyên bố sai lầm và không thể chấp nhận đối với chúng tôi".
Bộ phận báo chí Nội các Đức cho biết, việc Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết kêu gọi dừng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 không làm thay đổi lập trường của chính phủ Đức đối với dự án này.
"Lập trường của Đức vẫn không hề thay đổi. Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 trước hết là một dự án kinh tế. Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Nhưng dự án có chứa cả thành tố chính trị. Về vấn đề này, chính phủ Đức một lần nữa chỉ ra rằng chúng ta cần biết rõ về những gì sẽ xảy ra đối với vai trò của Ukraine như một quốc gia trung chuyển khí đốt sau năm 2019. Điều này vẫn còn hiệu lực", đại diện của Nội các Đức cho biết.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 lắp đặt hai nhánh đường ống có tổng công suất 55 tỷ m3/năm từ bờ biển của Nga chạy qua Biển Baltic đến Đức. Các nước Đức, Thụy Điển và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Một số nước phản đối dự án phải kể đến là Ukraine, quốc gia lo ngại bị mất thu nhập từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, và Mỹ - nước đang thúc đẩy những dự án tham vọng về xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang châu Âu. Ngoài ra, các nước Latvia, Litva và Ba Lan cũng phản đối vì cho rằng dự án mang tính chính trị
Ukraine chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết đã ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2019.
Quan hệ Nga-Ukraine đang leo thang sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine ngày 25/11.
Trước đó, ngày 17/9, Tổng thống Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về ngừng hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, chiểu theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (SNBO) về việc chấm dứt hiệp ước trên. Nội các Ukraine cũng đã chỉ thị Bộ Ngoại giao thông báo cho Nga và các tổ chức quốc tế về mong muốn của Kiev chấm dứt Hiệp ước.
Phía Nga lấy làm tiếc về động thái mà theo Moscow là mang tính "phá hoại" của Kiev. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng văn kiện này có ý nghĩa nền tảng trong quan hệ song phương, nếu bị chấm dứt thì phía Ukraine thiệt hại nhiều hơn so với Nga.
Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối.
Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine đang leo thang sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine ngày 25/11.
Kiev đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, bắt đầu từ ngày 26/11, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16 - 60.
Châu Âu - Anh nỗ lực đảm bảo tiến trình Brexit
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 13 và 14/12 tại Brussels (Bỉ), Anh đã nhận được sự đảm bảo từ 27 nước thành viên rằng EU sẽ nỗ lực để ký kết một Hiệp định thương mại tự do mới với London trước năm 2021, thời điểm “xứ sở sương mù” rời khỏi EU - gọi là Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại thượng đỉnh EU.
Cùng với “cú thoát hiểm” của Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua trong nội bộ đảng Bảo thủ, đây có thể là tín hiệu tích cực đối với nước Anh trong tiến trình chia tay “ngôi nhà chung”. Tuy nhiên, với những diễn biến trên chính trường Anh cùng với những quan điểm cứng rắn của EU, kịch bản Anh ra đi suôn sẻ vẫn bị coi là chưa rõ ràng.
Ủy ban châu Âu (EC) thậm chí thông báo ngày 19/12 tới sẽ công bố kế hoạch cụ thể hơn để bảo vệ các doanh nghiệp và công dân EU trong trường hợp thỏa thuận Brexit không được thông qua và Anh rời EU ngày 29/32019 mà không có thỏa thuận.
Không dễ gì để Anh và EU có thể đạt được một sự đồng thuận nhanh chóng. Bởi lẽ, EU cũng khẳng định sẽ không chấp nhận mở lại bất kỳ cuộc đàm phán nào về Thỏa thuận cũng như Tuyên bố chính trị đã được ký thông qua ngày 25/11 vừa qua.
Mọi chuyện vẫn phải chờ tới đầu năm tới và từ nay tới lúc đó, bà May chắc chắn sẽ phải cố gắng hết khả năng để có thể bảo đảm rằng không có thêm rào chắn nào được dựng lên đối với tiến trình Anh rời EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần