Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Ông Trump mong chờ gặp thượng đỉnh lần 2 với ông Kim Jong Un

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội Anh bác thỏa thuận Brexit; Mỹ - Triều Tiên chốt thời điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa lãnh đạo hai nước là những sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần.

Tổng thống Mỹ sẽ gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Un vào cuối tháng 2
Mỹ và Triều Tiên đã chọn được địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhưng chưa công bố vào thời điểm hiện tại.
Tổng thống Trump hôm 18/1 có buổi làm việc kéo dài 90 phút với nhà đàm phán Triều Tiên Kim Yong-chol, thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 19/1, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông đã có một "cuộc gặp đáng kinh ngạc với ông Kim và 2 bên đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa và nhiều vấn đề khác".
Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ gặp thượng đỉnh lần 2 vào cuối tháng 2.
"Chúng tôi đã đồng ý gặp nhau, có thể là vào cuối tháng 2. Chúng tôi đã chọn được một quốc gia nhưng sẽ công bố nó trong tương lai. Ông Kim Jong Un rất mong chờ cuộc gặp này và tôi cũng vậy. Mọi thứ đang diễn ra rất tốt với Triều Tiên", ông Trump nói với các phóng viên Nhà Trắng. 
Cả Tổng thống và Nhà Trắng đều không đưa ra chi tiết về cuộc thảo luận hôm 18/1. Bất chấp những tuyên bố lạc quan của ông, không có dấu hiệu cho thấy những tiến bộ trong quá trình đàm phán hạt nhân Triều Tiên vốn đình trệ trong nhiều tháng qua hay việc Mỹ cân nhắc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng. 
Trước đó, Nhà Trắng cho biết xác nhận hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ diễn ra vào cuối tháng 2. 
Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6/2018 tại Singapore, lãnh đạo 2 nước đã đồng ý làm việc để hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng các thỏa thuận được đưa ra về mục tiêu này không rõ ràng. Trong khi Mỹ thúc giục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi giảm bớt áp lực kinh tế, Bình Nhưỡng mong muốn lợi ích kinh tế phải được thực hiện ngay lập tức. 
Những khác biệt trong lợi ích này khiến tiến trình đàm phán bị ngưng trệ với liên tiếp nhiều cuộc họp và các chuyến thăm bị hủy bỏ trong thời gian ngắn. 
Biểu tình “áo vàng” tiếp tục diễn ra tại Pháp sau 2 tháng
Đợt biểu tình thứ 10 của phong trào “áo vàng” tiếp tục diễn ra trên toàn nước Pháp, bất chấp các cuộc đối thoại về tương lai của nước này.
Ngày 19/1, đợt biểu tình thứ 10 của phong trào “áo vàng” tiếp tục diễn ra trên toàn nước Pháp, bất chấp các cuộc đối thoại về tương lai của nước Pháp do Tổng thống Emmanuel Macron khởi xướng đang diễn ra.
Đợt biểu tình thứ 10 của phong trào “áo vàng” tiếp tục diễn ra trên toàn nước Pháp.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, đợt biểu tình thứ 10 của phong trào “áo vàng”, diễn ra vào thứ 7, ngày 19/1, tiếp tục thu hút 84.000 người tham gia trên toàn quốc, đúng bằng con số cách đây 1 tuần.
Tại thủ đô Paris, có khoảng 7.000 người, giảm khoảng 1.000 so với tuần trước. Đây là đợt biểu tình đầu tiên của phong trào “áo vàng” từ khi các cuộc đối thoại vì tương lai nước Pháp chính thức bắt đầu hôm 15/1 vừa qua.
Tuy số lượng người “áo vàng” tham gia biểu tình tại thủ đô Paris lần này có dấu hiệu giảm nhưng tại một số TP khác đã đạt mức kỷ lục trong 2 tháng qua. Tại Belfort, một TP khoảng 50.000 dân nằm tại miền Đông nước Pháp, có gần 3.000 người tham gia biểu tình. Tại TP Angers ở miền Tây, cũng ghi nhận khoảng 2.500 người biểu tình “áo vàng”. Đặc biệt, TP Toulouse nằm ở miền Nam, ghi nhận con số kỷ lục là 10.000 người.
Đến nay đã tròn 2 tháng kể từ khi phong trào “áo vàng” bắt đầu nổ ra, số lượng người tham gia các đợt biểu tình biến động theo từng thời điểm, tuy nhiên mức độ bạo lực đã có dấu hiệu giảm dần.
Trong đợt biểu tình thứ 10 này, tính đến 19h ngày 19/1 (giờ Paris), cảnh sát Pháp đã bắt giữ khoảng 42 đối tượng tại thủ đô Paris trong tổng số 108 đối tượng trên toàn quốc, giảm nhiều so với con số trong các đợt biểu tình trước đây.
Kế hoạch Brexit của Anh rơi vào khủng hoảng
Những lo lắng về việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào khủng hoảng đã trở thành hiện thực khi Hạ viện nước này với 423 phiếu chống, 202 phiếu ủng hộ, hôm 15/1 đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May nỗ lực đàm phán trong suốt 2 năm qua.  
Hạ viện Anh đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May nỗ lực đàm phán trong suốt 2 năm qua.  

Mặc dù Chính phủ của bà May vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, phần nào tránh cho chính trường Anh khỏi rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhưng nội bộ nước Anh vẫn bị chia rẽ về kế hoạch Brexit.
 Nhiều người trước đây ủng hộ Brexit đã bắt đầu lung lay quan điểm và bắt đầu hoài nghi về tương lai của Anh sau khi rời EU. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng nên tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. 
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn ngày 17/1 cảnh báo đảng này sẽ ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu chính phủ không "gạt bỏ những giới hạn đỏ" của bà về Brexit sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện.  
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới. Nếu không đạt được thỏa thuận sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp, Anh phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu và sẽ mất hết mọi lợi thế trong quan hệ với EU. Điều này đồng nghĩa với việc London mặc nhiên phải từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung châu Âu. Brussels sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung châu Âu.
Phương Tây bớt lo ngại sau khi Nga cho giám sát Eo biển Kerch
Việc Nga cho phép giám sát Eo biển Kerch được cho là bước đi thiện chí của nước này nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Ukraine trong những tháng qua.
Chính phủ Nga hôm 18/1 thông báo đã chấp nhận cho các chuyên gia Đức và Pháp giám sát Eo biển Kerch, gần Báo đảo Crimea. Đây có thể xem là một bước đi thiện chí của Nga nhằm hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng leo thang những tháng vừa qua với Ukraine tại vùng biển này  sau vụ va chạm giữa hải quân hai nước.
Việc Nga cho phép giám sát Eo biển Kerch được cho là bước đi thiện chí của nước này nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Ukraine trong những tháng qua.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18/1 tuyên bố, nước này cho phép các quan sát viên Đức và Pháp được triển khai tới Eo biển Kerch khu vực xảy ra xung đột hồi cuối tháng 11/2018 giữa Nga và Ukraine.
Theo ông Lavrov, cách đây hơn 1 tháng, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép các chuyên gia Đức tới eo biển Kerch. Tổng thống Putin đã ngay lập tức chấp nhận yêu cầu.
Ngoài Đức, phía Nga cũng đồng ý cho các chuyên gia Pháp được triển khai. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov thừa nhận, dù hơn 1 tháng đã trôi qua, song vẫn chưa có một quan sát viên nào được đưa tới khu vực.
Trong chuyến thăm Moscow, Ngoại trưởng Đức Heiki Maas đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định, cũng như đánh giá cao nỗ lực của Nga nhằm duy trì hoạt động giao thông hàng hải bình thường tại eo biển chia cắt giữa lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea này.
“Chúng tôi muốn tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và biển Azov đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm leo thang căcng thẳng. Việc sử dụng tới tất cả các biện pháp ngoại giao là cần thiết nhằm ngăn chặn sự bùng phát của một cuộc xung đột khác.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine, vốn đã căng thẳng từ năm 2014 khi Moscow sáp nhập Crimea, đã bị thổi bùng lên sau khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nga đã bắt giữ 3 tàu của Hải quân Ukraine, cùng 24 thủy thủ hôm 25/11/2018. Vụ  việc xảy ra khi các tàu hải quân Ukraine đang vượt biển Đen tới biển Azov qua eo biển Kerch và Nga cáo buộc những tàu này tìm cách xâm phạm lãnh hải.
Chính vì thế, quyết định của Nga cho phép triển khai các quan sát viên Đức và Pháp tới eo biển Kerch đã phần nào giải tỏa được mối lo ngại của các nước phương Tây.