Tổng thống Donald Trump: Chính phủ Mỹ có thể đóng cửa "nhiều năm"
Ngày 4/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ cấp cao đảng Dân chủ đã một lần nữa không đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần hiện đã bước sang ngày thứ 14 liên tiếp.
Phát biểu sau cuộc gặp ở Nhà Trắng với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ sử dụng quyền khẩn cấp để xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.
Theo lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ để chính phủ đóng cửa trong thời gian dài, nhiều tháng hoặc thậm chí vài năm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cuộc gặp đã diễn ra rất hữu ích và nhấn mạnh ông và các thành viên đảng Dân chủ có cùng quan điểm muốn Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại.
Thứ chia rẽ Nhà Trắng của Tổng thống Trump và thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội là vấn đề ngân sách dành cho bức tường biên giới. Phía đảng Dân chủ cam không muốn tăng ngân sách dành cho công trình mà Tổng thống Trump mong đợi từ thời điểm còn vận động tranh cử năm 2016.
Hiến pháp Mỹ quy định Quốc hội nắm giữ quyền quyết định đối với ngân sách dành cho Chính phủ liên bang. Do vậy, Tổng thống Trump dự kiến phải đối mặt với nhiều chướng ngại pháp lý nếu ông cố gắng vượt mặt Quốc hội để cấp tài chính cho bức tường biên giới. Dự án tường biên giới của Tổng thống Trump dự kiến cần 23 tỷ USD để thi công.
Hiện tình trạng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa 1 phần đã kéo dài sang ngày thứ 14, do Tổng thống Trump kiên định lập trường không ủng hộ dự luật cho phép Chính phủ hoạt động trở lại của phe Dân chủ trừ khi Quốc hội chi hơn 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới với Mexico. Đến nay đã có khoảng 800.000 nhân viên liên bang bị ảnh hưởng do khoảng 1/4 số cơ quan chính phủ liên bang phải ngừng hoạt động trong 2 tuần qua.
Nhiều tín hiệu tích cực đầu năm trên Bán đảo Triều Tiên
Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên tiếp tục đón nhận tín hiệu tích cực sau các thông điệp năm mới từ các lãnh đạo Mỹ-Hàn-Triều.
Ngày 2/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhận được một lá thư "tốt đẹp" từ ông Kim Jong-un, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ sớm gặp nhà lãnh đạo này. Tổng thống Trump cũng khẳng định ông chưa bao giờ nhấn mạnh đến tốc độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Tại cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018. |
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không sản xuất và thử vũ khí hạt nhân, hay trao vũ khí cho bên khác, cũng như sẵn sàng gặp ông bất cứ lúc nào.
Trước đó một ngày, trong thông điệp Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ: "Tôi luôn sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ vào bất cứ lúc nào và nỗ lực mang đến một kết quả mà cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh". Ông kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp trong đàm phán phi hạt nhân hóa, đồng thời nhấn mạnh mong muốn xây dựng "các mối quan hệ mới" với Mỹ, thiết lập nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và tìm kiếm "phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đánh giá thông điệp của ông Kim Jong-un có tác động tích cực tới việc giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên một cách suôn sẻ trong năm 2019. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng khẳng định tầm quan trọng của đối thoại và hoan nghênh những diễn biến tích cực trong mối quan hệ Mỹ - Triều.
Mỹ - Trung ấn định đàm phán thương mại cấp thứ trưởng tại Bắc Kinh
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4/1 cho biết, nước này sẽ tiến hành đàm phán thương mại cấp thứ trưởng với Mỹ tại Bắc Kinh từ ngày 7 - 8/1 tới.
Phái đoàn thương mại Mỹ sẽ do Thứ trưởng Bộ Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu. "Thứ trưởng Gerrish và các thành viên trong đoàn sẽ tới Bắc Kinh để "có một cuộc đàm phán tích cực và cởi mở" với các quan chức phía Trung Quốc", theo thông tin được Bộ Thương mại Trung Quốc đăng tải trên website của mình hôm 4/1.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tiến hành đàm phán thương mại cấp thứ trưởng với Mỹ tại Bắc Kinh từ ngày 7 - 8/1 tới. |
Bộ này cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã xác nhận thời điểm tổ chức cuộc gặp thương mại cấp thứ trưởng sau cuộc điện đàm ngày 4/1, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Trước đó, tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý “đình chiến” thương mại trong 90 ngày kể từ ngày 1/12/2018.
Hiện Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại trong bối cảnh thời hạn 90 ngày đang bị thu hẹp dần.
Theo đó, các nhà đàm phán sẽ cố gắng đạt được một sự đồng thuận dài hạn, giúp giảm nhẹ nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra khi lệnh đình chiến thương mại hết hạn vào ngày 1/3 tới.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter hôm 29/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra suôn sẻ.
Cuối ngày 2/1, Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple viết một lá thư gửi nhà đầu tư nói rằng, hãng đã không lường trước được mức độ giảm tốc của kinh tế Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Nhà sản xuất iPhone đổ lỗi cho đà suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, qua đó làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu có thể chậm lại vì chiến tranh thương mại kéo dài.
Báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố hôm 3/1 cho thấy hoạt động của các nhà máy ở nước này trong tháng 12 ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008 - thời điểm đỉnh cao của khủng hoảng tài chính.
Ottawa tiết lộ 13 công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc sau vụ Huawei
Chính phủ Canada ngày 3/1 cho biết 13 công dân nước này đã bị bắt giữ tại Trung Quốc kể từ khi Giám đốc Tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ tại Vancouver hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ.
Thông báo của Chính phủ Canada cho biết, ít nhất 8 người trong số 13 người nói trên đã được thả tự do. Thông báo của Chính phủ Canada không tiết lộ danh tính của những người khác đã bị Trung Quốc bắt giữ.
Tính tới thời điểm này, chỉ có 3 vụ bắt giữ các công dân Canada - gồm cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig, doanh nhân Michael Spavor và giáo viên Sarah McIver tại Trung Quốc được công khai.
Công dân McIver, dạy tiếng Anh tại Trung Quốc, bị Bắc Kinh bắt giữ trong tháng 12/2018, là một trong số 8 người đã được trả tự do. Bà McIver đã quay lạiCanada.
Hai ông Kovrig và Spavor vẫn bị giam giữ tại Trung Quốc. Trong diễn biến mới nhất, Công tố viên hàng đầu của Trung Quốc ngày 3/1 tuyên bố cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor đã vi phạm pháp luật “mười mươi”.
Trước đó, giới chức tại Bắc Kinh thông báo hai công dân Canada gồm ông Kovrig và Spavor là những đối tượng bị tình nghi đe dọa an ninh nhà nước Trung Quốc.
Căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đã leo thang kể từ khi Giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ của Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ hôm 1/12/2018 tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ.
Chính phủ Canada đã nhiều lần khẳng định Ottawa không thấy có mối liên quan nào giữa các vụ công dân nước này bị bắt giữ tại Trung Quốc bắt giữ với việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập tập đoàn Huawei.
Tuy nhiên, giới ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh và các cựu viên chức ngoại giao Canada nói rằng họ tin chắc có sự liên quan giữa các vụ việc này.
Chính phủ Trung Quốc cũng không đưa ra mối liên hệ trực tiếp giữa hành động này với vụ bắt giữ bà Mạnh.
Bà Mạnh hiện đã được cho phép bảo lãnh tại ngoại từ ngày 11/12/2018, nhưng không được rời khỏi ngôi nhà của bà ở Vancouver. Nữ doanh nhân này đang đối mặt với khả năng bị dẫn độ về Mỹ và phải ngồi tù đến 30 năm nếu bị kết tội.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hồi tháng 12/2018 đã tuyên bố các vụ bắt giữ công dân nước này là không thể chấp nhận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc thả hai công dân Canada.