Trung Quốc cảnh báo Canada hậu quả nghiêm trọng nếu không thả Giám đốc tài chính Huawei Mạch Vãn Chu
Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum để trao công hàm phản đối mạnh mẽ sau vụ bắt giữ CFO Huawei Meng Wanzhou.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi việc giam giữ CFO của Huawei là cực kỳ khó chịu, kêu gọi Ottawa trả tự do cho bà Meng. Đồng thời, Trung Quốc cảnh báo Canada sẽ phải chịu hậu quả nếu từ chối.
Bà Meng bị bắt Canada bắt giữ theo yêu cầu của các quan chức thực thi pháp luật Mỹ.
Bộ Tư Pháp Canada xác nhận con gái người sáng lập tập đoàn Huawei bị giam giữ từ ngày 1/12 và Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà.
Giới chức Canada không nêu chi tiết lý do bắt giữ bà Meng, nhưng tờ Star Vancouver cho biết Washington tin rằng bà biết việc Huawei sử dụng một công ty con là SkyCom làm bình phong để thực hiện các giao dịch với Iran bất chấp lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Tehran.
Hôm 6/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi vụ bắt giữ là hành vi vi phạm nhân quyền, khẳng định Washington và Ottawa không thể có bất cứ giải thích nào về lý do bắt giữ công dân nước mình.
Phiên đầu trần tại ngoại của bà Meng diễn ra vào ngày 7/12 do chưa thể quyết định bà Meng có được tại ngoại hay không nên sẽ được nối lại vào ngày 11/12.
OPEC - Nga quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ bất chấp Tổng thống Trump phản đối
OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu với số lượng cao hơn thị trường mong đợi, bất chấp sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo thỏa thuận đạt được tại cuộc họp hôm 7/12 tại Vienna (Áo), các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài tổ chức đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1,2 triệu thùng/ngày từ năm 2019, nhiều hơn so với mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày mà thị trường mong đợi.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau 2 ngày đàm phán của bộ trưởng các nước OPEC và các đồng minh tại Vienna, Bộ trưởng Năng lượng Iraq Thamer Ghadhban thông báo: “Những nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm sản lượng là 800.000 thùng/ngày từ tháng 1, trong khi các nước không phải thành viên OPEC sẽ đóng góp cắt giảm thêm 400.000 thùng/ngày. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng kéo dài trong 6 tháng”.
Iran cũng đã quyết định "bật đèn xanh" cho việc giảm sản lượng dầu vào khoảng 800.000 thùng/ngày từ năm 2019, sau khi đạt được thỏa thuận với Ả Rập Saudi về khả năng miễn trừ khỏi việc cắt giảm sản lượng.
Một nguồn tin từ Bộ Năng lượng Nga cho biết Moscow đã sẵn sàng giảm khoảng 200.000 thùng/ngày - cao hơn con số đề xuất ban đầu là 150.000 thùng. Một nguồn tin của OPEC tiết lộ rằng Nga đã đồng ý cắt giảm 230.000 thùng/ngày.
Ngay sau khi các nước trong và ngoài OPEC đạt thỏa thuận giảm sản lượng, giá dầu thế giới đã vọt tăng tới 5% lên mức hơn 63 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 7/12.
Việc giảm nguồn cung ra thị trường toàn cầu sẽ khiến thị trường cân bằng hơn, giúp giá dầu phục hồi sau đợt giảm sâu trong những tuần qua, điều này cũng hỗ trợ cho Iran - nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC, đang chịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Giá dầu đã giảm 30% kể từ tháng 10 vừa qua do nguồn cung dầu tăng và nhu cầu toàn cầu giảm.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ giải quyết các vấn đề địa chính trị tại OPEC”, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Suhail bin Mohammed al-Mazroui phát biểu tại một cuộc họp báo.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết: “Chúng tôi đã đánh giá tình hình thị trường, cho thấy có nhiều thách thức. Với nhu cầu theo mùa giảm tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng trong quý I và quý II năm 2019. Khi đó thị trường sẽ bị quá nguồn cung trong nửa đầu năm tới. Vì vậy, OPEC và các thành viên không thuộc OPEC phối hợp cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 1 tới”.
Biểu tình tiếp tục nổ ra ở Pháp, hơn 700 người bị bắt giữ
Cảnh sát Pháp vừa tiếp tục phải sử dụng hơi cay để trấn áp người biểu tình của phong trào “Áo vàng” đang đổ xuống đường phản đối chính phủ vào hôm 8/12.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Laurent Nunez xác nhận cảnh sát đã bắt giữ hơn 700 người trên khắp cả nước, trong đó 575 người ở Paris. Khoảng 31.000 người đã tham gia vào các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp.
Đám đông biểu tình ở đại lộ Champs-Elysees đã trở thành bạo lực từ 10h sáng ngày 8/12 khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cây để giải tán. Một vài giờ sau, các xe tải trang bị vòi rồng đã được triển khai đến trung tâm thủ đô Paris.
So với những cuộc biểu tình trước, lực lượng an ninh Pháp đã kiểm soát tình hình tốt hơn vào tuần này. Cảnh sát đã chủ động trong việc di chuyển về phía trước để đẩy lùi những người biểu tình. Cảnh sát cũng chia thành nhóm nhỏ, di chuyển linh hoạt để xác định và bắt giữ một số người quá khích.
Các cuộc biểu tình ở Pháp thường bùng nổ vào dịp cuối tuần để phản đối các chính sách của chính phủ như tăng thuế nhiên liệu, tăng học phí hay thay đổi chính sách hưu trí.
Hôm 4/12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã tuyên bố tạm hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong 6 tháng, đồng thời dừng việc tăng giá khí đốt và điện trong vòng 3 tháng. Ngoài ra, việc siết chặt các tiêu chuẩn đánh giá ôtô để xử phạt những phương tiện cũ gây ô nhiễm cũng bị hoãn lại 6 tháng.
Nga nêu điều kiện tiên quyết để thương lượng về số phận thủy thủ Ukraine
Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga khẳng định nước này sẽ chỉ sẵn sàng thảo luận về số phận nhóm thủy thủ Ukraine bị bắt giữ ở Eo biển Kerch sau khi quá trình xét xử hoàn tất.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 7/12 ở Milan, Italia, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ chỉ sẵn sàng thảo luận về số phận của nhóm thủy thủ Ukraine bị Moscow bắt giữ hồi tháng trước, cũng như đi đến một thỏa thuận với Ukraine về những người này sau khi quá trình xét xử tại Crimea đã hoàn tất.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov không nêu rõ thông tin về ngày xét xử các thủy thủ Ukraina.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine, vốn căng thẳng kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea, đã tiếp tục leo thang sau vụ đụng độ tại Biển Đen, gần Bán đảo Crimea hồi cuối tháng 11 vừa qua.
Lực lượng tuần tra thuộc Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) ngày 25/11 đã nổ súng bắt giữ 3 tàu hải quân cùng với 24 thủy thủ của Ukraine. Các tàu này, gồm 2 tàu pháo binh và một tàu kéo cỡ nhỏ, bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga ở Eo biển Kerch nối Biển Đen với biển Azov bất chấp cảnh báo của lực lượng an ninh Nga.
Nga cáo buộc các thủy thủ này đã xâm phạm bất hợp pháp vùng lãnh hải của Nga trong khi Ukraine phủ nhận cáo buộc.
Bất chấp lời kêu gọi của Ukraine và các nước phương Tây, Nga tuyên bố sẽ giam giữ các thủy thủ Ukraine trong vòng 2 tháng để xét xử. Nếu bị buộc tội, họ có thể đối mặt với 6 năm tù.