Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bị đẩy lên nấc thang mới
Cuộc tranh chấp thương mại dai dẳng hơn 1 năm nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã rơi vào vòng rượt đuổi "ăn miếng trả miếng" mới, khi Bộ Tài chính Mỹ ngày 5/8 chính thức coi Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ", động thái được xem như đáp trả việc Bắc Kinh hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua.
Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ và để ngỏ khả năng tiếp tục sử dụng vũ khí thuế quan.
Quyết định "thả nổi" đồng NDT được Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ tăng thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc từ ngày 1/9 tới.
Theo tuyên bố của PBOC, việc coi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ” gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.
Luật pháp Mỹ đưa ra 3 tiêu chí để xác định sự thao túng giữa các đối tác thương mại lớn, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu, thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ và can thiệp một chiều liên tục vào thị trường ngoại hối. Bộ Tài chính Mỹ định kỳ 2 lần/năm trình đánh giá tiền tệ lên Quốc hội, trong đó liệt kê các nước bị coi là có hành vi thao túng tiền tệ và các quốc gia đáng chú ý trong tầm theo dõi.
Tuy nhiên, quyết định đưa ra ngày 5/8 lại nằm ngoài quy trình thông thường nói trên, cho thấy Washington đánh giá động thái "thả nổi" đồng NDT của Bắc Kinh ở mức nghiêm trọng, buộc Mỹ phải có phản ứng mạnh mẽ.
Pakistan hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ
Ngày 7/8, Pakistan đã quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ, sau khi New Delhi hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do nước này kiểm soát tại khu vực tranh chấp Kashmir.
Ngoài ra, Chính phủ Pakistan cũng quyết định cấm chiếu các bộ phim Ấn Độ tại các rạp chiếu phim của nước này. Trước đó, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định nước này phản đối tuyên bố được Chính phủ Ấn Độ đưa ra liên quan tới khu vực Kashmir và Jammu.
Đây là nấc thang mới trong căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Pakistan và Ấn Độ. Ngày 5/8, New Delhi đưa ra quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua, khi công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời đưa ra dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir. Ấn Độ cũng đã triển khai hơn 40.000 binh sĩ bán vũ trang ở Jammu và Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng quân sự trong tình trạng báo động cao.
Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir và hai bên luôn đổ lỗi cho nhau về vấn đề này.
Anh cứng rắn trong vấn đề Brexit không thỏa thuận
Ngày 8/8, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hối thúc Liên minh châu Âu (EU) sửa đổi các điều khoản trong thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) mà Brussels và London đã ký kết hồi cuối năm 2018.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hối thúc Liên minh châu Âu (EU) sửa đổi các điều khoản trong thỏa thuận Brexit. |
Ngoại trưởng Raab cho biết Anh muốn rời khỏi EU với một thỏa thuận và sẽ chỉ cho phép kịch bản không thỏa thuận xảy ra nếu các nhà đàm phán của EU không thay đổi quan điểm. Ông Raabb nhấn mạnh nếu EU vẫn giữ lập trường cho rằng thỏa thuận Brexit đã ký kết với chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May là không thể thay đổi thì Anh sẽ ra đi mà không có thỏa thuận và Brussels sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh EU một mực khẳng định thỏa thuận Brexit đã ký kết là không thể đàm phán lại, trong khi chính phủ của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn loại bỏ điều khoản chốt chặn liên quan đường biên giới trên đảo Ireland trong thỏa thuận này.
Điều khoản chốt chặn được Brussels đề xuất nhằm duy trì một biên giới "mở" giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, qua đó buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của EU cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận thay thế. Tuy nhiên, Quốc hội Anh không ủng hộ điều khoản này, buộc cựu Thủ tướng May phải xin gia hạn Brexit 2 lần trước khi từ chức. Anh muốn thay thế bằng một điều khoản khác, theo đó cho phép không phải hoàn tất các thao tác kiểm tra hải quan ở biên giới, và quản lý dựa vào công nghệ, thiện chí và hợp tác vận hành.
Triều Tiên phóng là tên lửa đạn đạo tầm ngắn
Trong tuyên bố ra hôm 10/8, Phủ tổng thống Hàn Quốc cho rằng vụ phóng hai vật thể sáng cùng ngày của Triều Tiên là nhằm thử nghiệm năng lực của loại tên lửa tầm ngắn mới mà Bình Nhưỡng tự phát triển, cũng như để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn trong tháng này.
Phủ tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu cơ quan tình báo của nước này đã tổ chức một hội nghị qua cầu truyền hình để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Trước đó, sáng 10/8, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn hai vật thể chưa xác định ra Biển Nhật Bản. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông báo các vật thể này được bắn từ vị trí gần TP Hamhung, miền Đông Bắc Triều Tiên. Đây là vụ phóng thứ 5 của Triều Tiên trong hai tuần qua.
Venezuela ngừng đối thoại với phe đối lập sau lệnh trừng phạt của Mỹ
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 7/8 quyết định ngừng đối thoại với phe đối lập nhằm phản ứng trước lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện của Mỹ.
Tuy nhiên, thông cáo cũng khẳng định, Venezuela sẽ không rời khỏi đàm phán và đang chuẩn bị xem xét lại các cơ chế của tiến trình cho phù hợp với những lợi ích của nhân dân.
Quyết định của Tổng thống Maduro đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Trump ký lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Venezuela tại nước này và cấm tất cả mọi giao dịch liên quan của Venezuela, trừ những trường hợp ngoại lệ, nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực.
Đây là lần đầu tiên Mỹ áp đặt một biện pháp trừng phạt như vậy đối với một quốc gia ở Tây Bán cầu trong 30 năm qua và là biện pháp cấm vận kinh tế toàn diện tương tự như đã làm với Triều Tiên, Iran, Syria và Cuba.
Chính phủ Mỹ lâu nay đã công khai thể hiện sự ủng hộ đối với thủ lĩnh đối lập Juan Guaido và nhiều lần kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro rút khỏi quyền lực.