Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên công bố lịch trình trước “giờ G” hội nghị thượng đỉnh
Theo kế hoạch chính thức mà Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp nhau vào 9h sáng 12/6 ở Singapore. Phía Mỹ đã chọn khách sạn hạng sang Capella trên đảo nghỉ dưỡng Sentosa là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp nhau vào 9h sáng 12/6 ở Singapore. |
Liên quan đến lịch trình tới Singapore, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Tổng thốngrump sẽ rời Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Canada trước trưa 9/6 và đến thẳng Singapore. Tại đây, Tổng thống Trump sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ trong một ngày và ngày hôm sau quay trở về nước. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tại Singapore đã vạch ra kế hoạch dự phòng cho tình huống bất ngờ, theo đó hai nhà lãnh đạo có thể tiếp tục kéo dài cuộc thảo luận sang ngày thứ 2. Tổng thống Mỹ trước đó đã bày tỏ mong muốn có sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Về phần mình, theo một số nguồn thạo tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến sẽ đáp máy bay tới sân bay quốc tế Changi vào ngày 10/6. Phía sân bay Changi và Cơ quan Hàng không Singapore đều chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin này.
Tờ SCMP dẫn nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết Trung Quốc có khả năng sẽ cử máy bay quân sự hộ tống chuyên cơ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi đi qua không phận nước này.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết lãnh đạo hai nước đến Singapore tham gia Hội nghị Thượng đỉnh sẽ ở hai khách sạn khác nhau.
Nga bác đề xuất kêu gọi quay lại Nhóm G7 của Tổng thống Trump
Điện Kremlin đã có phản ứng chính thức trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Nga quay trở lại Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 8/6.
Phát biểu trước khi Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/6 cho rằng các nước thành viên G7 cần để Nga trở lại tham gia bởi sự cần thiết của Moscow trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, Nga đã bác đề xuất kêu gọi trở lại G7, khẳng định Moscow đang tập trung vào những khuôn khổ hợp tác và đối thoại khác. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitriy Peskov tuyên bố: “Nga hiện đang tập trung vào các định dạng khác, bên cạnh G7”.
Nga là thành viên của nhóm G8 cho tới năm 2014, tuy nhiên sau đó 7 nước thành viên còn lại tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Sochia và đình chỉ quyền tham dự của Nga vào các cuộc hội đàm tiếp theo của nhóm với lý do bất đồng quan điểm về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Năm 2017, Nga tuyên bố rút khỏi G8 vĩnh viễn và nhóm này đổi tên thành G7.
Hội nghị thượng đỉnh G7 có sự tham dự của các nước công nghiệp phát triển gồm Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada và Nhật Bản. Hội nghị G7 năm nay được tổ chức tại Quebec, Canada từ ngày 8-9/6.
G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đồng minh. Đầu tháng 6, chính quyền Trump bắt đầu áp 10% thuế nhôm và 25% thuế thép nhập khẩu lên các nước đồng minh. Quyết định này khiến Liên minh châu Âu, Canada và Mexico phản đối mạnh mẽ.
Dù chủ đề chính của hội nghị năm nay bao gồm tăng cường đầu tư cũng như tạo việc làm để thúc đẩy tăng trưởng và bình đẳng giới, song căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đồng minh dự kiến sẽ phủ bóng lên cả 2 ngày nhóm họp. Hiện các nước thành viên còn lại của G7 đều khẳng định sẽ thể hiện lập trường kiên quyết với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các phiên thảo luận, dù sẽ không quá căng thẳng do e ngại có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại lớn.
Tranh chấp thương mại phủ bóng Hội nghị G7
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Mỹ) diễn ra tại Canada trong ngày 8 và 9/6 (giờ địa phương), được nhận định bị phủ bóng bởi sự chia rẽ hơn bao giờ hết kể từ khi nhóm này ra đời 42 năm trước.
Đầu tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế áp dụng đối với nhôm và phôi thép nhập khẩu vào nước này, một bước đi áp dụng ngay cả với các nước đồng minh lâu năm như Anh và Canada.
Các nước bị ảnh hưởng đã lên tiếng chỉ trích động thái này của Mỹ và đều đe dọa sẽ có hành động đáp trả tương xứng. Trong khi đó, Mỹ chỉ trích cả Pháp và Canada đang đánh thuế cao hàng hóa Mỹ và dựng lên những rào cản thương mại khác.
Có thể thấy, các chính sách thuế quan của Mỹ đã tạo thế "phân cực" trong nhóm G7. Sự phân cực này đã nhen nhóm từ Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức năm ngoái tại Italy khi Mỹ đã từ chối ký tuyên bố chung của hội nghị này với những lý do liên quan đến quyết định của nước này rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Do đó, giới quan sát cho rằng, trong tương lai gần G7 có khả năng trở thành G6+1.
Chương trình nghị sự truyền thống của thượng đỉnh G7 là thương mại quốc tế, chính sách kinh tế, an ninh và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với nhiều bất đồng như trên, nội dung quan trọng nhất tại hội nghị lần này có lẽ là làm sao kiểm soát được thiệt hại trong lòng G7.
Tân Thủ tướng Tây Ban Nha nhậm chức
Ngày 8/6, tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tiến hành cuộc họp Nội các lần đầu tiên, gồm 17 bộ trưởng, trong đó có 11 nữ và 6 nam. Đây là nội các được cho là thân châu Âu và có số thành viên nữ nhiều nhất trong lịch sử hiện đại Tây Ban Nha.
Trước đó, ngày 2/6, ông Pedro Sanchez đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng mới của nước này, một ngày sau khi Quốc hội Tây Ban Nha phế truất ông Mariano Rajoy trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Như vậy, ông Rajoy là thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại bị phế truất vì thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc ông Rajoy mất chức đã đẩy chính trường Tây Ban Nha vào tình thế bất ổn, khi các đảng nhỏ dù ủng hộ đảng của ông Sanchez trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không rõ liệu họ có ủng hộ chính phủ mới hay không,
Chính phủ mới của Thủ tướng Sanchez là chính phủ thiểu số, do đảng Xã hội của ông chỉ nắm 84/350 ghế trong Quốc hội. Đây là lý do có thể khiến ông Sanchez gặp nhiều khó khăn trong công việc điều hành, quản lý đất nước.