Mỹ cùng đồng minh đồng loạt không kích Syria
Cuối ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố "bật đèn xanh" cho một đợt tấn công tên lửa chính xác nhằm vào cơ sở vũ khí hóa học của Syria.
Tổng thống Trump cho biết, mục đích của chiến dịch không kích Syria là "tạo sức răn đe cứng rắn đối với việc sản xuất, phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học". Theo lời Tổng thống Trump: "Sự phối hợp của lực lượng Mỹ, Anh và Pháp nhằm đáp trả những tội ác này sẽ bao gồm tất cả các công cụ sức mạnh dân tộc của chúng tôi: Quân sự, kinh tế, ngoại giao", ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ cũng phát tín hiệu rằng, các cuộc không kích sẽ tiếp diễn nếu chính quyền Syria chưa ngừng sử dụng vũ khí hóa học. "Chúng tôi sẵn sàng duy trì việc đáp trả này cho tới khi Syria ngừng sử dụng các chất độc hóa học bị nghiêm cấm", Tổng thống Mỹ cho biết.
Không lâu sau tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Anh Theresa May cũng ra thông cáo xác nhận đã cho phép quân đội Anh tiến hành các cuộc tấn công phối hợp nhằm phá hủy năng lực vũ khí hóa học của Syria. "Đây không phải là hành động can thiệp vào một cuộc nội chiến. Không phải thay đổi chế độ. Đó là một cuộc tấn công có mục tiêu và có giới hạn, không làm gia tăng căng thẳng ở khu vực và bằng mọi giá ngăn chặn thiệt hại của người dân", Thủ tướng May nhấn mạnh.
"Đây là lần đầu tiên ở cương vị thủ tướng tôi phải đưa ra quyết định đưa quân đội tham chiến, đó là quyết định không hề dễ dàng", bà May khẳng định.
Theo thông báo của Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh tham gia không kích Syria. Tổng thống Macron chủ trì một cuộc họp với các quan chức cấp cao của chính phủ. Ông Macron cáo buộc chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công hóa học ở Douma hồi tuần trước và rằng "Syria đã vượt quá giới hạn đỏ mà Pháp vạch ra hồi tháng 5/2017".
Nhật Bản hoan nghênh Mỹ xem xét tái gia nhập TPP
Ngày 13/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết, Tokyo hoan nghênh quyết định của Mỹ về việc quay lại thỏa thuận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ thị giới chức xem xét khả năng tái gia nhập hiệp định này.
Trước đó ngày 12/4, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức chính phủ “đàm phán để tái gia nhập” TPP.
Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Trump đã chỉ thị Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tìm hiểu các giải pháp để nước này tái gia nhập hiệp định.
Phó phát ngôn Lindsay Walters cho biết, chỉ thị mới của ông Trump nhất quán với các tuyên bố của ông trước đó. Bà Walters nói: "Năm ngoái, Tổng thống đã giữ lời hứa rút khỏi TPP... bởi vì thỏa thuận này không công bằng với các công nhân và nông dân Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định rằng luôn để ngỏ với một thỏa thuận tốt hơn.
Sau tuyên bố của Nhà Trắng, phát biểu với phóng viên sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định: "Nếu điều này là chính xác, tôi rất hoan nghênh". Ông Aso cũng bày tỏ hy vọng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump sẽ thảo luận về thỏa thuận TPP tại cuộc họp thượng đỉnh vào tuần tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Aso cho biết thêm, cần phải xác minh nguồn tin một cách cẩn thận. "Ông Trump là một người hay thay đổi, có thể ông lại nói một điều hoàn toàn khác trong ngày hôm sau", ông Aso nói thêm.
TPP từng bao gồm 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn cố gắng tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3 vừa qua.
Suốt những tháng sau đó, 11 nền kinh tế còn lại (gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Australia và Việt Nam) đã tích cực nỗ lực đàm phán và sửa đổi để đưa ra CPTPP (hay còn gọi là TPP-11).
Rơi máy bay quân sự tại Algeria: Gần 260 người thiệt mạng
Đài truyền hình quốc gia ALG24 đã cập nhật số người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay thảm khốc của Bộ Quốc phòng Algeria là 257 người và một số người trên chiếc máy bay may mắn còn sống sót.
Đài ALG24 đã cập nhật số người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay thảm khốc của Bộ Quốc phòng Algeria là 257 người, trong đó phi hành đoàn 10 người.
Bộ Quốc phòng Algeria xác nhận chiếc máy bay Ilyushin II-76 thuộc Lực lượng Không quân Algeria đã rơi vào sáng 11/4, ngay sau khi cất cánh từ phi trường Boufarik, nơi đặt căn cứ phi đội vận tải không quân của Không quân Algeria. Căn cứ này cách thủ đô Algiers khoảng 30 km về hướng tây nam.
Trung tướng Ahmed Gaid Salah, Tham mưu trưởng Lục quân, đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, đồng thời yêu cầu tiến hành điều tra vụ tai nạn.
Bộ Quốc phòng Algeria cho biết, tổng cộng có 257 người thiệt mạng, phần lớn là quân nhân. Trên chiếc máy bay có 10 thành viên phi hành đoàn và một số thành viên gia đình quân nhân. Một số người trên chiếc máy bay còn sống sót và đang được điều trị tại bệnh viện quân đội. Bộ này cũng đã gửi lời chia buồn tới các gia đình nạn nhân.
Hiện chưa rõ nguyên nhân tai nạn, và cuộc điều tra đang được tiến hành, theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Algeria.
Phát ngôn viên cơ quan bảo vệ dân sự Mohammed Achour cho biết chiếc Ilyushin Il-76 gặp nạn trong lúc chuyển quân từ căn cứ Boufarik đến căn cứ ở Bechar, miền tây nam Algeria. May mắn là máy bay rơi xuống đồng trống, nên không gây thêm thương vong trên mặt đất.
Giới chức địa phương đã điều động 130 nhân viên cứu hộ, 14 xe cứu thương và 10 xe tải đến hiện trường.
CEO Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ về bê bối dữ liệu của Facebook
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg vừa ra điều trần trước Quốc hội Mỹ sau vụ scandal rò rỉ thông tin của 87 triệu người dùng.
Sau bê bối dữ liệu người dùng thổi bay của Facebook nhiều tỷ USD, Mark Zuckerberg đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm của cá nhân cũng như công ty mình đang điều hành đồng thời cam kết sớm khắc phục sự cố và đảm bảo an toàn cá nhân cho người dùng trong tương lai.
Tác dụng đầu tiên của 2 phiên điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ chính là việc cổ phiếu hãng này tăng hơn 5%, lên 166,32 USD, mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư hài lòng với màn thể hiện của CEO Facebook để bảo vệ các hoạt động của công ty.
Vụ scandal lớn nhất trong lịch sử Facebook liên quan tới ứng dụng thu thập dữ liệu của công ty Cambridge Analytica. Không chỉ mất rất nhiều tiền, cái mất lớn nhất của Facebook chính là niềm tin của người dùng. Hàng loạt lời kêu gọi tẩy chay, xoá Facebook đã được đưa trên toàn thế giới.
Đây là bê bối thứ ba mà gã khổng lồ công nghệ vướng phải liên quan đến cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ, sau những cáo buộc về tin giả và ảnh hưởng từ phía Nga. Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng của Facebook một lần nữa cho thấy những vấn đề lớn hơn liên quan đến ảnh hưởng của mạng xã hội đối với dòng chảy thông tin và tiến trình chính trị.