Tổng thống Mỹ sẽ đến Việt Nam dự APEC
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận, Tổng thống Donald Trump sẽ có chuyến công du Việt Nam vào tháng 11 để tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đồng thời có thư mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Mỹ.
Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ. Ngoài Việt Nam, ông Trump cũng sẽ đến Philippines dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Quyết định này đã xoa dịu các quan ngại của quốc gia châu Á trước đó rằng, tân Tổng thống Mỹ chỉ tập trung vào các vấn đề của xứ Cờ hoa và tái khẳng định tầm quan trọng của các đối tác khu vực với lợi ích của Washington.
Việc kết nối nhanh chóng với chính quyền mới của Mỹ đã thể hiện vai trò của Việt Nam với tư cách là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Washington ở Đông Nam Á. Chỉ trong một thời gian ngắn, giữa Việt Nam và Mỹ đã có các hoạt động ngoại giao tích cực. Sau khi đắc cử, Tổng thống Trump đã nhận cuộc gọi chúc mừng từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đến cuối tháng 2, ông Trump đã gửi thư cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện quan tâm thúc đẩy hợp tác về "kinh tế, thương mại và những vấn đề quốc tế và khu vực". Ngày 20/4 (giờ Mỹ), trong cuộc tiếp Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Tillerson và Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia H.R. McMaster khẳng định, chính quyền mới tiếp tục coi trọng và ủng hộ quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.
Paris lại bị khủng bố
Một cảnh sát đã thiệt mạng và 2 cảnh sát khác bị thương ở trung tâm Paris trong vụ xả súng đêm 20/5, trước khi vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công này.
Kẻ tấn công đã dùng súng tấn công vào một xe cảnh sát ở đại lộ Champs Elysees, làm một cảnh sát thiệt mạng và 2 cảnh sát khác bị thương. Tên này bị bị tiêu diệt ngay trong đêm 20/5.
Sau đó, trang tin Amaq có liên hệ với IS đã tuyên bố, kẻ tấn công ở Champs Elysees, Paris là Abu Yussef, người Bỉ, một phiến quân nhóm khủng bố. Trước đó, tên này từng nổ súng nhằm vào cảnh sát trong một cuộc truy đuổi bằng ôtô cách đây 16 năm. Trong quá trình thẩm vấn tại đồn cảnh sát, hắn cướp được vũ khí và bóp cò 5 lần nhưng không ai thiệt mạng, sau đó ngồi tù vài năm.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh cử tri Pháp chuẩn bị đi bước vào vòng đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống. Sự kiện này sẽ có tác động đến việc bỏ phiếu của cử tri Pháp trong ngày 23/4 tới đây.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc chính thức bị truy tố
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chính thức bị truy tố với tội danh lạm dụng quyền lực, ép buộc, nhận hối lộ và rò rỉ tài liệu mật quốc gia.
Cùng với cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, các công tố viên nhà nước cũng đã truy tố Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong-bin với tội danh hối lộ 7 tỷ Won (khoảng 6 triệu USD) cho quỹ phi lợi nhuận K-Sports do người bạn thân Choi Soon-sil của cựu Tổng thống Hàn Quốc quản lý. Trong khi đó, tập đoàn SK đã tránh được việc bị khởi tố vì không đưa 8,9 tỷ Won quyên góp cho cựu Tổng thống.
Vụ việc của bà Park sẽ được chuyển tới tòa án hình sự để tiếp tục điều tra và kết án. Phiên tòa đầu tiên xét xử cựu Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra trong vài tuần tới và bà Park vẫn sẽ bị giam giữ trong thời gian xét xử, lâu nhất là 6 tháng. Sau khi Tòa án Hiến pháp thông qua đề nghị luận tội bà Park Geun-hye của Quốc hội, nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đã bị bắt tạm giam từ ngày 31/3 để phục vụ công tác điều tra.
Anh quyết định bầu cử sớm
Thủ tướng Anh Theresa May đã giành được sự ủng hộ của Quốc hội cho quyết định tổ chức cuộc bầu cử sớm hôm thứ Tư (19/4).
Quyết định này được bà May lý giải là nhằm củng cố sự lãnh đạo của bà May trong việc tiến hành các cuộc đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit sắp tới. Trước đó, Thủ tướng Anh đã đưa ra quyết định bất ngờ hôm 18/4, kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm vào ngày 8/6 năm nay, thay vì 2020 như dự kiến.
Hiện chưa có điều tra chính thức nào về dư luận Anh, nhưng một số người trả lời phỏng vấn của truyền thông đã bày tỏ sự mệt mỏi khi sắp đối mặt với một cuộc bầu cử mới lần thứ 3 trong 3 năm liên tiếp: bầu cử lập pháp năm 2015; trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016 và sắp tới lại là bầu cử sớm ngày 8/6//2017.
Thủ tướng Anh cũng cho biết, sự chia rẽ trong Quốc hội là nguyên nhân dẫn đến quyết định này. “Sự chia rẽ tại Westminster sẽ đe dọa khả năng thực hiện thành công tiến trình Brexit và gây ra sự bất ổn cho quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần một cuộc bầu cử và ngay bây giờ, trước khi các cuộc đàm phán chi tiết bắt đầu”, bà May phát biểu hôm 18/4.