Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Tổng thống Nga - Mỹ sắp gặp nhau lần đầu

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Nga - Mỹ sắp gặp nhau lần đầu tiên, Iraq tuyên bố đế chế khủng bố sụp đổ là những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

Tổng thống Nga - Mỹ sắp có cuộc gặp đầu tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Putin lần đầu tiên vào tuần tới. Cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra bên lề Hội nghị G20 tổ chức tại Đức là sự kiện được mong chờ trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng về cáo buộc Moscow tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và có hay không việc thông đồng giữa các cố vấn của ông Trump với Nga.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Putin.
Hiện vẫn chưa có lịch trình cụ thể, nội dung cuộc gặp có thể là bất kỳ vấn đề nào mà Tổng thống muốn nói tới, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống McMaster nói.
Trả lời phóng viên, ông McMaster cho biết, ông Trump muốn xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng với Nga như giải quyết xung đột ở Syria, mối đe dọa hạt nhân từTriều Tiên và vấn đề khủng bố.
Tuy nhiên, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga A.McFaul dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng, quá mạo hiểm khi tiếp xúc với Tổng thống Putin - một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng - với một lịch trình sơ sài như vậy.
“Ông Trump có thể không chuẩn bị gì cho các kết quả sau cuộc gặp nhưng chắc chắn là ông Putin đã tính toán kỹ lưỡng cho điều này”, ông McFaul nhận định.
Lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump được khôi phục một phần
Hôm 26/6, Tòa Tối cao khôi phục một phần lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump. Theo đó, Tòa án Tối cao quy định, lệnh cấm nhập cảnh vẫn được áp dụng với công dân 6 nước có đa số dân là người Hồi giáo nhưng loại trừ với những trường hợp chứng minh được quan hệ có thật (bona fide) với một cá nhân hay tổ chức tại Mỹ.
Nhiều người cho rằng, phán quyết mới nhất của Tòa Tối cao đã giảm bớt tính cực đoan khi sắc lệnh cấm nhập cư không áp dụng với những người có những quan hệ với nước Mỹ. Phán quyết của Tòa Tối cao được xem như một chiến thắng hiếm hoi cho tổng thống Donald Trump. Sau phán quyết, ông Trump ca ngợi đây là một chiến thắng rõ ràng cho nền an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tiêu chuẩn này có thể gây hoang mang cho các nhân viên sứ quán để đưa ra quyết định cấp visa hay không và có thể cần một phiên tòa để xác định xem mối quan hệ nào đủ điều kiện là “quan hệ có thật” để được phép nhập cảnh vào Mỹ. Trong phán quyết đưa ra hôm thứ Hai (26/6), tòa án Tối cao đã đưa ra một số ví dụ về “quan hệ có thật” như quan hệ gia đình, du học sinh, lao động tại các công ty Mỹ.
Tổng thống Hàn Quốc có chuyến công du đầu tiên gặp ông Trum
Tổng thống Hàn Quốc đã chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Mỹ kể từ sau khi nhậm chức nhằm tái khẳng định vị thế đồng minh của Mỹ và đưa quan hệ kinh tế lên một tầm mới. Chuyến đi tập trung vào 2 nội dung  gồm nỗ lực buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tăng cường thương mại song phương.
 Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc gặp với ông Trump.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Reuter hồi tháng 4, ông Trump đã gọi thỏa thuận thương mại Mỹ - Hàn (KORUS) là “tồi tệ” và “không thể chấp nhận”, đồng thời tuyên bố sẽ tái đàm phán hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Theo thống kê, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc đã tăng lên gấp đôi kể từ khi KORUS có hiệu lực (từ 13,2 tỷ USD lên 27,7 tỷ USD). Chính quyền Tổng thống Trump hiện cũng đang xem xét có nên áp thuế hoặc hạn ngạch đối với mặt hàng thép nhập khẩu.
Viện Kiểm sát cáo buộc Tổng thống Brazil tham nhũng
Ngày 26/6, Viện Kiểm sát Brazil (PGR) đã chuyển lên Tòa án Tối cao kết luận điều tra trong đó khẳng định Tổng thống Michel Temer dính líu tới tham nhũng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, một tổng thống đương nhiệm bị khởi tố vì tội tham ô.
Kết luận này được PGR đưa ra dựa vào đoạn băng ghi âm bí mật do cựu Chủ tịch Tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới JBS Joesley Batista nộp cho cơ quan điều tra, theo đó cho thấy Tổng thống Temer đã ra lệnh dùng tiền để “bịt miệng” cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, buộc ông này không được khai báo các thông tin trong vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Bản cáo trạng mà Trưởng Công tố Rodrigo Janot gửi Chánh án Tòa án Tối cao Edson Fachin nêu rõ JBS đã hối lộ ông Temer 150.000 USD thông qua cố vấn của ông này Rodrigo Rocha.
Các luật sư của Tổng thống Temer có thời hạn 15 ngày để kháng cáo, trước khi cáo trạng này được gửi tới Hạ viện để tiến hành phiên tòa chính trị bỏ phiếu phế truất người đứng đầu nhà nước. Nếu Hạ viện thông qua cáo trạng trên, ông Temer sẽ có thể bị đình chỉ chức vụ trong 6 tháng và bị đưa ra trước tòa xét xử.
Iraq tuyên bố đế chế Hồi giáo sụp đổ
Lực lượng Iraq đã chiếm giữ nhà thờ Hồi giáo Gran al-Nuri 850 năm tuổi  tại TP Mosul - nơi được xem như thành trì chính của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Đế chế tự xưng đã sụp đổ”, Chuẩn Tướng Yahya Rasool - Người Phát ngôn quân đội Iraq nói.
 Nhà thờ  Gran al-Nuri 850 tuổi tại Mosul.
Sự sụp đổ của Mosul có thể đánh dấu sự chấm dứt của đế chế khủng bố tại Iraq mặc dù nhóm này vẫn kiểm soát khu vực phía Tây và Nam TP. Trong khi đó, thủ phủ của IS tại Raqqa, Syria đang bị chiếm giữ bởi liên quân do người Kurd đứng.
Tổn thất của cuộc chiến là vô cùng to lớn. Hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng, khoảng 900.000 người sơ tán phải sinh sống trong các lều tạm. Những người mắc kẹt lại trong TP lâm vào tình cảnh thiếu thốn lương thực và bị thương.
Lực lượng chống Khủng bố (CTS) đã chiếm giữ căn cứ al-Nuri trong một cuộc tấn công "sấm sét" hôm thứ Năm, giới chức cho hay. Tuy nhiên, ưu thế này vẫn còn nhiều khó khăn khi quân nổi dậy ẩn náu giữa thường dân, sử dụng súng cối, súng bắn tỉa và những kẻ đánh bom tự sát để bảo vệ lãnh thổ cuối cùng của chúng.