Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Tổng thống Nga trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua lệnh trừng phạt áp đặt với Nga, Tổng thống Putin trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ, các ngoại trưởng ASEAN thông qua dự thảo khung COC… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Nhật Bản cải tổ nội các: Lối đi nào cho Abenomics?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố chương trình cải tổ nội các, đây được coi là nỗ lực nhằm đảm bảo hiệu quả của chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Abenomics và khôi phục uy tín của chính phủ trong bối cảnh sự ủng hộ với chinh quyền sụt giảm nghiêm trọng.
Những thay đổi được đánh giá đáng chú ý lần này là các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng. Nhiều vị trí chủ chốt được giữ nguyên, trong đó có Chánh văn phòng nội các Yosihide Suga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, nhằm đảm bảo sự ổn định cho việc triển khai các chính sách của chính phủ. Chủ ý này của Thủ tướng Shinzo Abe được lý giải nhằm thành lập một nội các dày dặn kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai chiến lược kinh tế Abenomics do ông khởi xướng. 
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố chương trình cải tổ nội các. 
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, mục đích thật sự của quyết định trên là nhằm cải thiện mức độ tín nhiệm với Thủ tướng Shinzo Abe. Kể từ tháng 5/2017, ông Abe đã bị cáo buộc giúp đỡ Kake Gakuen - tổ chức giáo dục do một người bạn lâu năm điều hành, giành quyền mở trường thú y trong một đặc khu kinh tế ở tỉnh Ehime. Dù Thủ tướng Abe kiên quyết bác bỏ cáo buộc nhưng thất bại thảm hại nhất trong lịch sử của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại cuộc bầu cử hội đồng TP Tokyo hồi tháng 7 vừa qua cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Hiện, mức độ tín nhiệm đối với ông Abe chỉ còn ở ngưỡng 30%, thấp nhất kể từ khi ông trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012. Theo đó, trong số người được hỏi cho rằng, Thủ tướng Abe đã “bỏ rơi” các biện pháp cải cách kinh tế và xã hội - những điều mà ông đã hứa cách đây 5 năm nhằm đối phó với tình trạng lão hóa dân số, thiếu tính linh hoạt trên thị trường lao động...
Trên thực tế, trong 3 trụ cột của chương trình Abenomics là chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu, chính phủ của ông Abe đã thực hiện xong 2 điều đầu tiên còn kế hoạch tái cấu trúc vẫn đang được tiến hành. Những ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm sự tín nhiệm đối với Thủ tướng Abe rất có thể khiến nỗ lực cải cách này sẽ bị xao nhãng. Giới chuyên gia nhận định, các vụ bê bối là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Abenomics, vì tỷ lệ ủng hộ ông Abe đã giảm ngay trước khi thực hiện các cải cách quan trọng. Chính phủ cần có tỷ lệ ủng hộ cao từ người dân để thực hiện những cải cách cần thiết, vì điều này có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Thủ tướng Nhật Bản hy vọng sẽ tái đắc cử vị trí Chủ tịch LDP vào năm 2018 nhưng các diễn biến trên chính trường đang đe dọa tham vọng này của ông Abe. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, dù số phận chính trị của ông Abe ra sao, Abenomics nhiều khả năng vẫn tiếp tục được duy trì. Bởi, thứ nhất, hiện chưa có một chính sách khả thi nào có thể thay thế cho Abenomics. Thứ 2, nếu ông Abe từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio nhiều khả năng sẽ tiếp quản quyền lực và tiếp nối các di sản của người tiền nhiệm. Tuy không ủng hộ Abenomics về mặt giải quyết bất bình đẳng, nhưng quan điểm của ông Kishida sẽ dẫn đến một Abenomics thân thiện hơn chứ không phải là bãi bỏ hoàn toàn Abenomics.
Tổng thống Putin trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga. Đây là động thái nhằm đáp trả dự luật trừng phạt mà Washington chuẩn bị áp đặt lên Moscow.
Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên kênh Vesti TV ngày 30/7, Tổng thống Nga Putin khẳng định đến ngày 1/9 Mỹ sẽ phải cắt giảm 755 người làm việc trong ngành ngoại giao và kỹ thuật tại Nga, theo đó chỉ được duy trì đúng 455 người theo đúng lệnh trừng phạt mà Moscow vừa ban hành.
 Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định đến ngày 1/9 Mỹ sẽ phải cắt giảm 755 người làm việc trong ngành ngoại giao và kỹ thuật tại Nga. 
"Hiện nay, Mỹ có tới hơn 1.000 nhân viên ngoại giao tại Nga, gồm các nhà ngoại giao và nhân viên hỗ trợ, 755 người sẽ phải dừng hoạt động", ông Putin tuyên bố.
Theo Tổng thống Putin, Nga có thể cân nhắc bổ sung các biện pháp trả đũa Mỹ nhưng không phải lúc này. Ông Putin nhắc lại dự luật trừng phạt mới của Mỹ là bước đi làm suy yếu quan hệ giữa hai quốc gia.
“Cần lưu ý điều này vốn chẳng bị bất cứ điều gì khiêu khích, phía Mỹ đã đưa ra một động thái làm tồi tệ thêm mối quan hệ Nga-Mỹ. Động thái này bao gồm các lệnh cấm bất hợp pháp, nỗ lực gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác trên thế giới, kể cả đồng minh của chúng tôi”, Tổng thống Putin nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn.
Hôm 28/7, Nga đã yêu cầu phía Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao xuống còn 455 người và sẽ tịch thu hai cơ sở ngoại giao của Mỹ sau khi Hạ viện lẫn Thượng viện đều thông qua lệnh trừng phạt mới mà Washington sắp áp đặt với Moscow. Nhà Trắng cùng ngày cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ký thông qua dự luật trừng phạt này.
Dự luật tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng. Dự luật còn cấm Tổng thống Trump tự ý dỡ bỏ trừng phạt Nga mà chưa có sự đồng ý của Quốc hội.
Một quan chức giấu tên tại Đại sứ quán Mỹ đã tiết lộ rằng cơ quan này đã tuyển dụng khoảng 1.100 nhà ngoại giao và nhân viên hỗ trợ, bao gồm cả công dân Nga và Mỹ.
Trước đó, hãng tin RIA ngày 29/7 dẫn một nguồn tin từ chính quyền Nga cho biết Mỹ hiện đang duy trì tại Nga khoảng 650 - 750 nhân viên ngoại giao người Mỹ. Như vậy, có tới 200 - 300 nhà ngoại giao Mỹ sẽ phải rời Nga trước ngày 1/9 theo các lệnh trừng phạt mới được Tổng thống Putin phê chuẩn.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về số lượng chính xác nhân viên sứ quán và lãnh sự tại Nga.
 Thủ tướng Nga: Hy vọng cải thiện quan hệ với Mỹ đã chấm dứt
Thủ tướng Nga Medvedev tuyên bố chấm dứt các hy vọng hàn gắn quan hệ với chính quyền Tổng thống Trump.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua lệnh trừng phạt với Nga hôm 3/8. Giới chức Nga tuyên bố, đây là một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Ông Trump đã ký thông qua dự luật sau cánh cửa đóng của phòng Bầu Dục, không có sự “tiền hô hậu ủng” như mọi lễ ký các sắc lệnh trước đây. Tổng thống Mỹ đã chỉ trích lệnh trừng phạt này đã vi phạm quyền lực của Tổng thống trong chính sách đối ngoại và ông có thể tạo ra những thỏa thuận tốt hơn Quốc hội.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp bên lề hội nghị G20 tại Đức.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, lệnh trừng phạt mà chính quyền Mỹ áp đặt lên Moscow như một cuộc chiến tranh thương mại.
“Hy vọng quan hệ với chính quyền mới của Mỹ sẽ được cải thiện đã chấm dứt”, Thủ tướng Nga viết trên tài khoản Facebook cá nhân.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cho biết, trong khi ông ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt và ngăn chặn hành vi làm mất ổn định khu vực của Iran và CHDCND Triều Tiên, lệnh trừng phạt này vẫn thiếu sót đáng kể
Lệnh trừng phạt lần này cho phép Quốc hội thông qua biện pháp trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và việc sát nhập Crimea, đồng thời ngăn cản mọi nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga. 
Hai tay của ông Trump đã bị "trói chặt" sau khi Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua luật này với một tỷ lệ ủng hộ áp đảo vào tuần trước, có khả năng ngăn chặn quyền phủ quyết dự luật của Tổng thống.
 AMM 50: Các ngoại trưởng ASEAN thông qua dự thảo khung COC
Ngày 5/8, các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được sự nhất trí về dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để văn kiện này được chính thức thông qua tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc diễn ra sau đó một ngày.
  Các Ngoại trưởng chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Hội nghị AMM lần thứ 50 ở Manila (Philippines) ngày 5/8. Ảnh: Reuters
Theo ông Robespierre Bolivar, quyền phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) tại Manila, người đứng đầu ngành ngoại giao các nước ASEAN đã thống nhất dự thảo khung COC để đưa ra phê chuẩn vào ngày 6/8. 
Ông nhấn mạnh văn kiện này sẽ giúp ASEAN và Trung Quốc tiến tới thương lượng một COC hiệu quả. 

Hội nghị AMM 50 và các hội nghị liên quan sẽ kéo dài đến ngày 8/8. Vào ngày 7/8, các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và 17 đối tác đối thoại sẽ gặp nhau tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - cuộc đối thoại an ninh đa phương quan trọng nhằm thảo luận các vấn đề nóng ở khu vực hiện nay.