Thế giới và cuộc sống mới giữa dịch Covid-19

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều nước trên thế giới, từ châu Á đến châu Âu và Mỹ đang dần thích ứng với cuộc sống mới giữa đại dịch, thay cho chiến lược “zero Covid-19” như trước đây.

Sống chung cùng dịch Covid-19
Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ mọi hạn chế trong nước do dịch Covid-19 với việc bỏ quy định xuất trình Chứng chỉ sức khỏe số. Sau 548 ngày thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, với tỷ lệ tiêm chủng cao (khoảng 73% trong số 5,8 triệu dân đã được tiêm chủng đầy đủ), quốc gia vùng Scandinavia này đã dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng từ ngày 10/9. Thành quả này giúp Đan Mạch khống chế số ca mắc Covid-19 ở mức thấp mà không cần áp đặt quá nhiều quy định hạn chế. Giới chức Đan Mạch tuyên bố rằng virus SARS-CoV-2 không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội”.
 Đan Mạch chính thức dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng ngăn dịch Covid-19 từ ngày 10/9. Ảnh: Alamy Stock
Tại châu Á, Chính phủ Singapore đã khẳng định không thay đổi chiến lược “sống chung với dịch Covid-19 dù đang đối mặt với làn sóng ca nhiễm Covid-19 tăng cao chưa từng có. Với hơn 80% người dân đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, Singapore đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cao nhất thế giới. Chính phủ Singapore tuyên bố việc số ca bệnh tăng là điều nằm trong dự đoán, và ưu tiên của họ là tiến tới mở cửa nhưng không gây áp lực cho hệ thống y tế. "Chiến lược tổng thể của chúng tôi không thay đổi. Singapore cam kết tích cực tái mở cửa nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi sẽ luôn là mở cửa mà không gây quá nhiều áp lực cho hệ thống y tế", Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong khẳng định trong cuộc họp cuối tháng 9.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Singapore mới đây cũng ban hành chỉ thị phòng dịch nghiêm ngặt hơn, có hiệu lực từ ngày 27/9 đến 24/10. Theo quy định mới, số thực khách ăn theo nhóm tại các nhà hàng đã giảm từ 5 xuống 2. Các DN được hướng dẫn cho phép người lao động quay trở lại làm việc tại nhà nếu cần thiết. Chính phủ Singapore nói rằng việc tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng một tháng nhằm ngăn ngừa nguy cơ hệ thống chăm sóc y tế quá tải.

Trong khi đó, Nhật Bản hôm 1/10 chính thức dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng tại thủ đô Tokyo và 18 tỉnh tại nước này, đồng thời dỡ bỏ tình trạng bán khẩn cấp tại các vùng còn lại trên cả nước. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021, toàn bộ 47 tỉnh tại Nhật Bản không phải áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp dưới bất kỳ hình thức nào. Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế để khôi phục các hoạt động kinh tế và xã hội song song với các biện pháp ngăn chặn đợt tái bùng phát dịch mới. Điểm đáng chú ý trong kế hoạch mở cửa trở lại của Nhật Bản là chủ trương phong tỏa cục bộ, tức là chỉ thực hiện biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, nhờ đó các cơ sở kinh doanh mới có thể hoạt động trở lại.

Cũng trong ngày 1/10, Chính phủ Australia cho biết nước này đã sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo để mở cửa trở lại với thế giới một cách an toàn. Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo trong tháng 11 tới, các bang đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ lên tới 80% dân số sẽ mở trở lại cho hoạt động đi lại quốc tế, bắt đầu với bang đông dân nhất ở nước này là New South Wales. Giai đoạn đầu của kế hoạch tập trung cho công dân và thường trú đã tiêm ngừa vaccine Covid-19 được rời khỏi Australia. Giai đoạn tiếp theo sẽ có những thay đổi, dự kiến cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này.

Mở cửa an toàn, điều chỉnh linh hoạt

Nhận thức được điều này, các nước trên thế giới đang thúc đẩy kế hoạch tìm cách mở cửa trở lại an toàn, điều chỉnh linh hoạt các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn bệnh dịch lây lan và khôi phục các hoạt động của cuộc sống. Điều này đòi hỏi các quốc gia đáp ứng được đồng thời nhiều yêu cầu khác nhau.

Một trong những yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo các môi trường công cộng và điểm đến an toàn, đặc biệt vaccine Covid-19 là vũ khí hữu hiệu nhất. Các mô hình "giấy chứng nhận vaccine", "bong bóng vaccine" cho phép những người đã tiêm chủng được đến nơi công cộng hay chỗ làm việc.

Theo Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, vaccine là "siêu vũ khí" chống lại Covid-19 và họ có kỳ vọng rõ ràng về việc tránh được những đợt phong tỏa quy mô lớn trong tương lai. Hiện Đan Mạch là một trong số những quốc gia có số ca mắc Covid-19 thấp nhất lại châu Âu. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Magnus Heunicke, thành tựu mà quốc gia này có được là hệ quả sau “một chặng đường dài từ việc triển khai chiến lược tiêm chủng tới kiểm soát dịch bệnh bằng các biện pháp cứng rắn, cùng nỗ lực của toàn bộ người dân. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch không quá chủ quan trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 trong tương lai. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke khuyến cáo chính phủ sẽ không ngần ngại nhanh chóng đưa ra các hạn chế nếu cần thiết. Các nhà chức trách nhấn mạnh việc trở lại cuộc sống bình thường phải đi đôi với các biện pháp khử khuẩn nghiêm ngặt và cách ly những người bị bệnh.

Nhiều nước tiếp tục tăng tốc chiến dịch tiêm chủng để bảo vệ người dân trong bối cảnh biến thể Delta đang hoành hành. Chính phủ Mỹ đang nỗ lực tăng độ bao phủ vaccine khi tốc độ tiêm ngừa gần đây chậm lại do một bộ phận dân chúng vẫn còn do dự hoặc phản đối. Hiện khoảng 56% dân số tại Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, trong đó 65% đã được tiêm ít nhất một liều, theo số liệu của CDC. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngày càng có thêm nhiều công ty lớn ở Mỹ ủng hộ quy định bắt buộc tiêm vaccine. Mới đây nhất, hôm 30/9, hãng hàng không United Airlines và Công ty Thực phẩm Tyson Foods đã có các động thái thể hiện ủng hộ quy định bắt buộc tiêm vaccine, trong khi Tập đoàn AT&T mở rộng yêu cầu tiêm đối với các nhân viên trong nghiệp đoàn. Trong khi đó, ngày 1/10, California trở thành bang đầu tiên tại Mỹ yêu cầu tất cả học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phải tiêm vaccine ngừa Covid-19, trừ một số trường hợp đặc biệt. Quy định bắt buộc học sinh tiêm vaccine của California sẽ tác động đến hơn 6 triệu học sinh tại các trường công lập và dân lập ở bang này.

Có thể thấy, từng bước nới lỏng hạn chế để dần mở cửa nền kinh tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường trên cơ sở bảo đảm an toàn hiện là xu thế được nhiều quốc gia lựa chọn trong bối cảnh liên tục xuất hiện thêm những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và thế giới chưa thể đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Theo các chuyên gia, để thực hiện kế hoạch mở cửa một cách an toàn, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm vaccine, các nước vẫn cần chú trọng những yêu cầu phòng dịch như đảm bảo giãn cách và bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng hay sử dụng các công cụ sàng lọc. Một lộ trình thận trọng, linh hoạt và có kiểm soát sẽ là “chìa khóa” để mở cánh cửa hướng cuộc sống bình thường mới an toàn với dịch Covid-19.

"Việc mở cửa trở lại một cách thận trọng và điều chỉnh linh hoạt là giải pháp khả thi đối với các nước lựa chọn sống chung với đại dịch Covid-19. Chìa khóa để kiểm soát Covid-19 thành công là kết hợp giữa tiêm chủng vaccine, xét nghiệm nhanh, truy vết triệt để cùng với việc tuân thủ các quy định phòng dịch." - Chuyên gia tư vấn cấp cao của Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore Peng Lim Steven