Dốc toàn lực hoàn thành chỉ tiêu
Tính đến thời điểm hiện tại, Thể thao Việt Nam đã có 10 vận động viên (VĐV) giành vé trực tiếp tham dự Olympic Paris 2024 gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông). Đây là con số chưa đạt chỉ tiêu đề ra khi Việt Nam hướng tới giành 12 đến 15 suất. Theo kế hoạch, đến ngày 30/6 là hạn “chốt sổ” danh sách VĐV tham dự Olympic Paris 2024 và cơ hội vẫn còn cho các VĐV và thể thao Việt Nam hoàn thành mục tiêu đề ra khi tranh tài ở vòng loại các môn như: điền kinh, judo, vật, quyền anh, bóng bàn, thể dục dụng cụ. Nếu các VĐV đạt điểm rơi phong độ, thi đấu tốt và mọi thứ suôn sẻ, thể thao Việt Nam có thể hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu 12 suất dự Olympic để tập trung hoàn toàn cho việc thi đấu ở sân chơi này.
Trong khi đó, ở môn điền kinh cũng đặt mục tiêu giành suất chính thức dự Olympic với trọng tâm ở nội dung tiếp sức 4x400 m nữ gồm các VĐV: Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh và Lê Thị Tuyết Mai. Các VĐV sẽ tranh tài Giải vô địch châu Á từ ngày 20/5 tới ở Thái Lan. Nếu như không thể giành vé trực tiếp, Liên đoàn Điền kinh thế giới sẽ dành một suất mời và nhiều khả năng sẽ được trao cho tuyển thủ trẻ Trần Thị Nhi Yến ở nội dung 100m nữ.
Ở môn judo được nhận kỳ vọng số 1 khi ba VĐV sẽ tham dự các giải quốc tế trong tháng 5 gồm: Chu Đức Đạt, Hoàng Thị Tình, Nguyễn Ngọc Diễm Phương. Theo Ban huấn luyện đội judo Việt Nam, với tính chất trao suất dựa trên thứ hạng của VĐV theo điểm tích lũy để đạt thứ hạng đảm bảo, hai VĐV Chu Đức Đạt và Hoàng Thị Tình đang ở vị trí an toàn. Tuy nhiên, đến tháng 6/2024, các giải judo quốc tế mới kết thúc, điều này đồng nghĩa thời điểm đó các VĐV sẽ biết cụ thể vị trí của mình để xác định có giành vé tham dự Olympic Paris 2024 hay không. Hiện tại, ba VĐV Chu Đức Đạt, Hoàng Thị Tình, Nguyễn Ngọc Diễm Phương đang được dự lượt giải hệ thống judo Grand Slam 2024 ở Tajikistan và Kazakhstan để tích luỹ thêm điểm. Ngoài ra, boxing đặt niềm tin hoàn toàn vào các võ sĩ nữ tham dự vòng loại thứ 2 tổ chức tại Thái Lan từ 23/5 đến 3/6. Kỳ vọng cao nhất là VĐV Á quân thế giới hạng 50kg Nguyễn Thị Tâm và chủ nhân HCĐ hạng 75kg Lưu Diễm Quỳnh tại Asiad 19. Theo Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1, Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Hoàng Quốc Vinh, thể thao Việt Nam vẫn còn tham dự vòng loại các môn được đặt kỳ vọng lớn. Nếu đạt kết quả tốt, có thể hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu 12 suất dự Olympic Paris 2024.
Chờ đợi bóng bàn Việt Nam
Ngày 8/5, đội tuyển bóng bàn chính thức vào tranh tài giải vòng loại Olympic khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) gồm 4 tuyển thủ: Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng, Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh. Mục tiêu của bóng bàn Việt Nam là giành 1 suất tham dự Olympic trong khi kết thúc vòng loại chỉ trao hai suất đối với VĐV nam, VĐV nữ vô địch. Tại Lễ bốc thăm chia bảng thi đấu, tay vợt chủ lực, niềm hy vọng số 1 của bóng bàn Việt Nam Nguyễn Anh Tú là người có thuận lợi ở vòng đấu bảng. Cụ thể, ở nội dung đơn nam, 10 tay vợt được chia làm 3 bảng. Nguyễn Anh Tú nằm ở bảng 3 (4 VĐV) cùng với Wong Qi Shen (Malaysia), Thanmathikom Napat (Thái Lan) và Misal John Russel (Philippines). Trong khi đó, Đinh Anh Hoàng rơi vào bảng 2 (3 VĐV) cùng Quek Izaac (Singapore) và Nayre Jann Mari (Philippines).
Các chuyên gia nhận định, tương quan lực lượng và thành tích gần đây, bảng đấu của Nguyễn Anh Tú được cho là nhẹ hơn so với Đinh Anh Hoàng chung bảng với Quek Izaac (Singapore) ĐKVĐ đơn nam SEA Games 32. Nguyễn Anh Tú với vai trò đương kim Á quân SEA Games 32 cũng được đánh giá là ứng viên nặng ký cho vị trí dẫn đầu bảng 3. Do nằm trong bảng có 4 VĐV, để giành quyền vào bán kết, tay vợt Việt Nam sẽ phải thi đấu nhiều hơn 1 trận. Theo điều lệ, các tay vợt sẽ thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm, tay vợt dẫn đầu bảng 1 và 2 sẽ giành quyền vào thẳng bán kết, 2 tay vợt dẫn đầu bảng 3 và tay vợt đứng thứ 2 bảng 1 và 2 sẽ thi đấu tứ kết. Theo HLV Đoàn Kiến Quốc, tinh thần các tay vợt rất hưng phấn: “Các tay vợt Việt Nam cần có sự tập trung cao độ để giành kết quả tốt nhất trong từng trận đấu kể từ vòng bảng. Cơ hội chia đều cho các tay vợt ở giải đấu này, để giành vé, cần phát huy tối đa phong độ và vào cuộc với tâm lý tự tin”.
Những thất bại của các VĐV trọng điểm ở những môn như bắn súng, boxing, đấu kiếm, taekwondo... khiến thể thao Việt Nam chưa thể sớm hoàn thành chỉ tiêu theo đúng dự kiến vào tháng 4. Áp lực cho các bộ môn còn lại trong việc giành vé tham dự Olympic ngày càng lớn, đặc biệt đây là thời điểm bước vào vòng loại cuối để xác định những tấm vé đến Pháp, trong đó bóng bàn là một trong những bộ môn phải gánh vác.
Trong lịch sử bóng bàn Việt Nam, HLV Đoàn Kiến Quốc là người nắm giữ kỷ lục với 2 lần vượt qua vòng loại để góp mặt tại Thế vận hội vào các năm 2024 và 2008. Đến nay, Đoàn Kiến Quốc cũng là tay vợt Việt Nam duy nhất từng giành vé chính thức tham dự Olympic. Sau năm 2008, sân chơi Olympic đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á ngày càng phát triển, những tay vợt của Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan… được tạo nhiều cơ hội thi đấu quốc tế ngay từ cấp độ trẻ. Đây là điểm bất lợi của bóng bàn Việt Nam so với nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Lễ khai mạc kỳ Olympic Paris 2024 không diễn ra trong sân vận động theo thông lệ mà được tiến hành trên sông Seine ở Thủ đô Paris. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngày 26/7 (khoảng 1 giờ 30 ngày 27/7, giờ Việt Nam), kéo dài trong 3 giờ với sự tham gia của 6.500 nghệ sĩ và 600 vận động viên. Tất cả sẽ diễu hành trên 160 chiếc thuyền di chuyển dọc theo sông Seine tại trung tâm Paris.