Thành tích này không những khẳng định sức mạnh của thể thao Việt Nam, chuẩn bị cuộc tổng rà soát cho các mục tiêu xa hơn của thể thao nước nhà, và gần nhất là Olympic Tokyo 2020.
Một kỳ SEA Games đặc biệt
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước thềm đại hội, nhưng đoàn Thể thao Việt Nam vẫn có được một kỳ SEA Games hết sức thành công. Với 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ (vượt xa chỉ tiêu khoảng 70 HCV), lần thứ 2 Việt Nam đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương tại một kỳ SEA Games trên “sân khách”, nhưng là lần đầu tiên, chúng ta vượt qua được đại kình địch Thái Lan, đặc biệt là ở những môn thể thao trong hệ thống Olympic như điền kinh, vật, bơi, cử tạ, Teakwondo… Trong đó, điền kinh giành tới 16 HCV lần thứ 2 liên tiếp đứng đầu Đông Nam Á, Thái Lan chỉ đạt 12 HCV. Bên cạnh đó “mỏ vàng” vật đã không phụ lòng mong đợi với việc giành 12/14 HCV.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao Bằng khen của UBND TP cho các VĐV Hà Nội đoạt thành tích cao tại SEA Games 30. Ảnh: Ngọc Tú |
Phải khẳng định rằng, người hâm mộ thật khó để có thể quên được hình ảnh Phạm Thị Hồng Lệ đổ gục, không thể tự mặc chiếc quần dài để lên nhận tấm huy chương của mình sau khi trải qua phần thi khắc nghiệt ở nội dung marathon; hay hình ảnh của cô gái Nguyễn Thị Oanh nhỏ bé chỉ nặng 46kg nhưng đăng ký thi 3 nội dung chạy và đều giành HCV.
Một khoảnh khắc không thể nào quên với người hâm mộ thể thao Việt Nam, đó là VĐV Lê Tú Chinh ôm HLV Thanh Hương khóc chiều 8/12, khi xuất sắc giành tấm HCV điền kinh nội dung 100m nữ, hơn đối thủ nhập tịch đến từ Philippines Knott Kristina Marie chỉ đúng 1% giây.
Sẽ thật khó để kể hết những hình ảnh, khoảnh khắc đáng nhớ của thể thao Việt Nam ở SEA Games 30. Bởi mỗi tấm HCV của Đoàn thể thao Việt Nam đều là mồ hôi, nước mắt của các VĐV.
Thể thao Việt Nam cần thay đổi
Khép lại SEA Games 30 rất đỗi thành công, thể thao Việt Nam đã bổ sung vào hành trang chuẩn bị cho SEA Games 31 nhiều điều quý giá. Nhưng đấu trường SEA Games còn là đợt “rèn quân” hữu ích cho các VĐV chủ lực thuộc các môn có thế mạnh để hướng tới các kỳ đại hội sau này như Olympic Tokyo 2020, ASIAD 19 Hàng Châu (Trung Quốc) 2022...
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn, SEA Games 30 là một cuộc tổng rà soát toàn bộ lực lượng, ngoài những VĐV đã lớn tuổi, Thể thao Việt Nam đang có các VĐV trẻ nhiều tiềm năng.
“Mục tiêu của thể thao Việt Nam có sự liên thông giữa các đại hội với nhau từ SEA Games, ASIAD, đỉnh cao nhất chính là Olympic. Ngay sau khi thi đấu SEA Games về thì Tổng cục TDTT sẽ có một buổi làm việc riêng với các môn đó để chuẩn bị cho việc đầu tư và nhiệm vụ Olympic. Còn những môn chưa có VĐV qua vòng loại thì phải tập trung đầu tư để lấy bằng được suất tham dự” – ông Trần Đức Phấn nói.
Việc tập trung đầu tư cho các môn Olympic đã được lãnh đạo ngành TDTT đặc biệt chú trọng. “Ngay sau SEA Games, tháng 1/2020, chúng tôi đã yêu cầu các bộ môn có VĐV qua vòng loại phải trình kế hoạch rất cụ thể để bước chuẩn bị cho Olympic. Thời gian dành cho Olympic không còn nhiều, cuộc tranh tài sẽ bắt đầu vào tháng 8/2020” - ông Trần Đức Phấn chia sẻ thêm.
Được biết, để hướng đến kỳ Thế vận hội vào mùa Hè 2020, thể thao Việt Nam phấn đấu giành khoảng hơn 20 suất tham dự. Sau khi kình ngư trẻ Huy Hoàng “mở hàng” bằng suất đầu tiên hồi tháng 7 vừa qua tại Giải vô địch thế giới (cự ly 800m tự do) với chuẩn A nhờ thành tích 7 phút, 52 giây 74, tính đến thời điểm này, mới có thêm 3 VĐV khác chắc chắn giành vé đến Nhật Bản là Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Đỗ Thị Nguyệt Ánh (Bắn cung) và Lê Thanh Tùng (TDDC). Tại SEA Games vừa qua, Huy Hoàng có thêm một chuẩn bị nữa để đến Olympic 2020 tranh tài ở nội dung 1.500m tự do.
Ở Thế vận hội, điền kinh là một trong những môn cơ bản và có sự cạnh tranh được cho là khốc liệt nhất. Tại SEA Games 30, Nguyễn Thị Huyền vẫn giành HCV nội dung 400m sở trường với thành tích 52 giây 80 nhưng vẫn còn quá xa với mức chuẩn mà Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAFF) công bố hồi tháng 3 năm nay (51 giây 35).
Không chỉ điền kinh, bắn súng, cử tạ, TDDC cũng đều rất khó khăn… Và đó là một bài toán khó dành cho thể thao Việt Nam, khi độ khó và sự cạnh tranh ngày càng lớn tại đấu trường lớn nhất hành tinh.
Việc đi theo tư duy tìm kiếm thành tích tại SEA Games, phải chăng đã lỗi thời, khi Việt Nam không thiếu VĐV trẻ tài năng đáp ứng được đấu trường lớn hơn. Hiện nay, thể thao Việt Nam cần tính tới tập trung vào các VĐV trẻ tài năng và sẵn sàng dành cho họ cơ hội tham gia các sự kiện lớn. Thực tế cho thấy có những môn thể thao mà việc tìm kiếm đội ngũ kế cận không hề đơn giản, nhưng nếu thay đổi cách nhìn nhận, tư duy thì thể thao Việt Nam sẽ đi theo chiều hướng tích cực hơn nâng cao vị thế tại đấu trường châu lục và thế giới.
"Mỗi tấm huy chương đều là mồ hôi, nước mắt của các VĐV. Vì vậy, SEA Games 30 vừa qua là đáng nhớ và để lại dấu ấn lịch sử cho thể thao Việt Nam. Chúng ta giữ được đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong thể thao và không thể không nói đến sự trung thực, cao thượng - đó là những hình ảnh đẹp về thể thao Việt Nam." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |