Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm 10.000 tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Tài chính ngày 22/12 cho biết cơ quan này vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng (gồm 5.000 tỷ đồng trong hạn mức huy động vốn của Ngân hàng phát triển Việt Nam năm 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 và phát hành thêm 5.000 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngoài hạn mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam năm 2013).

Số tiền này sẽ tập trung cho các chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề nông thôn ngoài số vốn 5.000 tỷ đồng hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 1589/TTg-KTTH ngày 03/10/2012.
 
Thêm 10.000 tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, các đối tượng nhận được vốn tín dụng ưu đãi của chương trình nói trên sẽ được mở rộng hơn, bao gồm cả các công trình bê tông hóa cầu, đường giao thông nông thôn, đường liên xã, liên huyện…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010 (theo chính sách thu tiền thuê đất trước ngày Nghị định số 121/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành).

Trường hợp tiền thuê đất sau khi được giảm vẫn lớn hơn 2 lần so với tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì được giảm tiếp tiền thuê đất đến mức bằng 2 lần tiền thuê đất phải nộp của năm 2010. Như vậy, sẽ có hàng vạn hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuê đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối sẽ nhận được sự hỗ trợ này, có điều kiện tái đầu tư phục vụ sản xuất…

Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn, Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục đẩy mạnh việc sửa đổi quy định về thủ tục giảm tiền thuê đất theo hướng ngày càng đơn giản trong triển khai thực hiện nhằm giúp người dân thụ hưởng chính sách miễn giảm dễ hiểu, dễ thực hiện...

Nhằm giúp người chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản giảm được chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận trong năm 2013, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu theo cơ chế vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; thực hiện xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản, nhằm giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi, đạt giá trị cao…

Ngoài các giải pháp hỗ trợ trực tiếp như trên, khu vực doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ được hưởng thêm nhiều hỗ trợ gián tiếp khác từ gói 21 giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013 mà Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ. Đây có thể coi là động lực quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân có thêm những bước phát triển mới.

 
Năm 2012, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu và chủ động xây dựng gói giải pháp tài khóa trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP,ngày 10/5/2012, về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Trong đó có việc tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn như huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn…