Chiều tối 22/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ ký cam kết về Tạo lập Môi trường Kinh doanh Thuận lợi cho Doanh nghiệp với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo UBND của 21 tỉnh, thành phía Bắc và đại diện các hiệp hội DN, đại diện các Sở, ban ngành Trung ương và địa phương nhằm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc hoàn thành việc ký cam kết giữa VCCI và các tỉnh, thành thể hiện quyết tâm của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin cho cộng đồng DN. “Nhưng quan trọng hơn là những cam kết của các chính quyền địa phương phải được thực hiện và có kết quả, để mục tiêu của Chính phủ trở thành hiện thực”, Phó Thủ tướng lưu ý.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. |
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi tháng, cả nước có gần 10.000 DN mới được thành lập. Riêng TP Hà Nội, con số này là 2.000 DN. Hà Nội cam kết tới năm 2020 có khoảng 400.000 DN được thành lập mới, cùng với TP HCM là 500.000 DN, Phó thủ tướng hy vọng mục tiêu có 1 triệu DN sau 5 năm nữa được Chính phủ đề ra hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách đăng ký, lãnh đạo Phó thủ tướng nhắc nhở, còn nhiều địa phương chưa mạnh dạn đưa ra số liệu cam kết DN thành lập mới. “Có tỉnh chưa cam kết, có tỉnh cam kết còn khiêm tốn quá so với tiềm năng. Tỉnh nào chưa đăng ký thì cân nhắc lại số lượng cụ thể để đăng ký với VCCI, Chính phủ. Nhưng số lượng DN mới thành lập phải tăng lên, nhưng không phải đăng ký để lấy thành tích, mà phải hoạt động hiệu quả”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, tới đây Chính phủ sẽ giao cho VCCI xây dựng bộ chỉ số hỗ trợ phát triển DN công bố hằng năm, dựa trên tiêu chí số lượng DN thành lập mới, giải thể; chỉ số đóng góp khu vực của DN... để làm thước đo kiểm tra, giám sát các tỉnh có thực hiện cam kết hay không.
Trên cơ sở này, Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành tập trung hỗ trợ DN vừa và nhỏ đang có phát triển mạnh hơn bằng các chính sách trực tiếp, gián tiếp theo nguyên tắc “không phân biệt đối xử”. Đồng thời, các địa phương cũng phải chú trọng phong trào khởi nghiệp; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (bao gồm các tập đoàn lớn, DN nhỏ nước ngoài), thiết lập các DN vệ tinh nhằm tạo ra động lực phát triển cho địa phương.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, 21 tỉnh thành phố tham gia lễ ký kết lần này là 21 “phát“đại bác”, hy vọng đây là 21 “phát đại bác” không phải bắn chỉ thiên mà bắn vào mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh từ cấp cơ sở, cấp địa phương.
Theo Chủ tịch VCCI, đây là lần đầu tiên Chính phủ có một Nghị quyết toàn diện về phát triển DN trong đó đề ra một mục tiêu rõ ràng, dứt khoát là đến năm 2020 đất nước ta phải có 1 triệu DN và đưa ra thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, phục vụ người dân và DN, và đưa ra một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện để thúc đẩy đất nước.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, VCCI sẽ sát cánh cùng chính quyền địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thúc đẩy phát triển DN, thúc đẩy cải cách, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến cộng đồng DN thông qua hiệp hội DN; chuyển giao các dịch vụ công cho các hiệp hội DN, tạo điều kiện và sát cánh cùng các hiệp hội xây dựng các chiến lược phát triển và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên cũng bày tỏ sự tin tưởng: “Một khi cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền đã hứa, đã cam kết, đã quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thì chắc chắn sẽ tạo ra những bước đột phá để DN phát triển (...). Chắc chắn trong số hơn 1 triệu DN vào năm 2020 sẽ có nhiều chủ DN, nhiều DN, thương hiệu sản phẩm Việt Nam nằm trong tốp đầu DN các nước ASEAN, Châu Á và thế giới”.