Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Giúp kéo giãn mật độ dân cư nội đô

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư 2 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT): Ga Hà Nội - Hoàng Mai và Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Đây là những tuyến ĐSĐT có vai trò đặc biệt quan trọng, cần được triển khai sớm trong tổng thể mạng lưới ĐSĐT của Thủ đô.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang được triển khai hoàn thành. Ảnh: Ngọc Hải
Giảm thiểu phương tiện cá nhân
Hà Nội đã định hướng sẽ tạo lập 5 đô thị vệ tinh (trong đó lớn nhất là đô thị Hòa Lạc), nhằm phân bố lại, kéo giãn mật độ dân cư nội đô, phát triển đồng đều kinh tế - xã hội giữa hai khu vực nội - ngoại thành. Các chuyên gia cho rằng, muốn làm được điều đó, trước hết TP phải giải quyết được vấn đề giao thông.
Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các đô thị vệ tinh chưa được định hình do thiếu hạ tầng giao thông kết nối. Nhiều người dân luôn phải cố gắng tìm chỗ ở trong nội thành để gần nơi làm việc, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Một số khu vực ngoại thành được quy hoạch làm nơi tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng nhà đầu tư chưa tiếp cận, một phần cũng do lo ngại người lao động không chịu đi xa, không thu hút được nhân lực. “Bởi vậy, việc xây dựng hai tuyến ĐSĐT, nhất là tuyến số 5: Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc có vai trò cực kỳ quan trọng, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các đô thị vệ tinh”.
Phó trưởng Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, Dự án tuyến ĐSĐT số 5; Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc đi qua các khu vực đô thị đang phát triển, khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến ĐSĐT số 5 sẽ đảm nhận rất tốt vai trò chính trong hệ thống vận tải công cộng, kết nối hành lang phía Tây với trung tâm Hà Nội, kéo giãn mật độ dân cư từ nội đô ra ngoại thành. Dự án còn góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, ô nhiễm môi trường trong khu vực.
Gạch nối quan trọng
Dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai lại có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội trong giai đoạn đầu. Tuyến ĐSĐT số 3 bao gồm 2 phân đoạn là: 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội và 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai, kết nối trục hành lang phía Tây với trung tâm TP, liên thông sang khu vực phía Nam. Lưu lượng hành khách trên trục giao thông này được dự báo rất lớn, có thể đạt sản lượng 488.000 lượt hành khách/ngày.
Hiện đoạn tuyến 3.1 đang trong giai đoạn thi công gấp rút. Việc tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn tuyến 3.2 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hoàn chỉnh tổng thể tuyến số 3. Mặt khác, đó còn là cơ sở để kết nối đồng bộ tuyến ĐSĐT số 3 với tuyến số 2 tại Ga Hàng Bài; tuyến ĐSĐT số 4 tại Vành đai 2,5; tuyến ĐSĐT số 8 tại Vành đai 3, tạo nên sự gắn kết của mạng lưới ĐSĐT Hà Nội trong giai đoạn đầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng cho khu vực đô thị trung tâm. Ông Lê Trung Hiếu cho hay: “Có thể hình dung, toàn tuyến ĐSĐT số 3 với hai đoạn: Nhổn - Ga Hà Nội và Ga Hà Nội - Hoàng Mai như một gạch nối, định hình, giao kết toàn bộ cụm ĐSĐT đi qua đô thị trung tâm”.
Việc triển khai sớm hai dự án ĐSĐT, một trong khu vực trung tâm (Ga Hà Nội - Hoàng Mai), một vươn tới ngoại thành (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) sẽ bổ sung kịp thời nguồn lực cho vận tải công cộng của Hà Nội. Với năng lực của vận tải khối lượng lớn, có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng trăm ngàn người mỗi ngày, hai tuyến ĐSĐT kể trên không chỉ góp phần vô cùng quan trọng giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mà còn tạo động lực để kéo giãn mật độ dân cư nội đô.
Tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,786km, đi ngầm 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đi nổi trên mặt đất 0,086km; gồm 7 ga ngầm: Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở; 1 khu lập tàu (phía sau Trạm bơm Yên Sở). Tổng mức đầu tư trên 40,5 nghìn tỷ đồng; dự kiến khởi công vào năm 2022, hoàn thành năm 2028.
Tuyến ĐSĐT số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc đi qua các quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Chiều dài toàn tuyến 38,43km, với 6,5km đi ngầm, 2km đi cao, và 29,93km trên mặt đất. Toàn tuyến có 21 ga, trong đó có 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 2 khu depot. Tổng vốn đầu tư trên 65,4 nghìn tỷ đồng; dự kiến khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2025.