Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm một “sân chơi” cho nghệ thuật đương đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua tại Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (VICAS) tổ chức Tuần VICAS, nhằm đưa đến cái nhìn mới về nghệ thuật đương đại, đây sẽ là hoạt động thường niên được VICAS phối hợp với các học giả, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ tổ chức.

Mở đầu tuần lễ là hội nghị thông báo khoa học với các mảng đề tài “nóng” hiện nay về “Chính sách văn hóa đối với nghệ thuật mới/đương đại” và “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong xã hội đương đại”. Một trong những hoạt động trọng tâm của Tuần VICAS đó là trình chiếu phim nhân học.

15 phim nhân học của các tác giả Việt Nam, thế giới được chọn lọc, giới thiệu tới công chúng. Đối với công chúng Việt Nam, phim nhân học vẫn còn khá mới mẻ, nhưng trên thực tế nó đã xuất hiện và tồn tại “âm thầm” từ cả chục năm trước với những nỗ lực của các nhà nghiên cứu, nhà làm phim và nghiên cứu sinh thuộc VICAS.

Về cơ bản, phim nhân học thuộc thể loại phim tài liệu nhưng mang nhiều yếu tố của truyền hình thực tế, phim không có lời bình mà những âm thanh, giọng điệu của nhân vật cùng với đời sống, tâm tư cũng như hoạt động lao động của họ trong xã hội đương đại chính là chất liệu chính để các nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác này lại rất chú trọng đến yếu tố nghệ thuật, để đạt được hiệu quả về sự chia sẻ đối với người xem chứ không đơn thuần chỉ là một bộ phim tài liệu khô cứng.

 
Hình ảnh trong phim “Một ngày của đồng nát”.
Hình ảnh trong phim “Một ngày của đồng nát”.
Tất cả các khía cạnh trong cuộc sống con người được khai thác, nên phim nhân học có mảng đề tài rộng. Các ngành nghề từ xe ôm, đồng nát, bán rau hay thợ mộc, thờ nề… đều có thể trở thành những nguồn đề tài hấp dẫn để khai thác. Thông qua đó, nói lên được những thông điệp về đời sống con người trong xã hội đương đại. Carlos La Menace, một phát thanh viên chương trình nói chuyện trên đài giới thiệu trong chương trình cuối tuần của anh với 3 nhân vật có cách sống khác nhau, cùng sống tại thành phố Brazzaville, thủ đô Congo để qua đó thấy được một góc bức tranh về xã hội đương đại Congo… là nội dung của phim “Chủ nhật ở BrazzaVille” (Sunday in BrazzaVille) của nhà làm phim Enric Bach-Adrià Monés. Hay phim “Một ngày của đồng nát” (tác giả Lê Tuấn Hưng và Trần Văn Hiếu) khai thác khía cạnh cuộc sống đời thường của một phụ nữ rời làng quê ra Hà Nội làm nghề đồng nát. Thông qua phim có thể thấy được trong xã hội hiện đại ở đô thị Việt Nam sự phân tầng xã hội rất mạnh mẽ. Bên cạnh những tầng lớp thượng lưu, trung lưu, rất nhiều tầng lớp của xã hội đang làm những nghề thấp kém như nhặt rác, đồng nát, xe ôm, bán vé số… Các tác giả bộ phim hy vọng rằng, những người làm nghề đồng nát sẽ nhận được sự chia sẻ từ công chúng ở những tầng lớp khác nhau trong xã hội chúng ta.

Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết sẽ tổ chức hoạt động Tuần VICAS thường niên. Viện hy vọng sẽ biến địa chỉ 32 Hào Nam thành “sân chơi” của những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đương đại ở Hà Nội, thu hút những người quan tâm đến sáng tạo văn hóa nghệ thuật gặp gỡ trao đổi. Như vậy, Hà Nội sẽ có thêm một địa chỉ dành cho văn hóa nghệ thuật đương đại vốn là một dòng chảy tất yếu từ cuộc sống, nhưng lâu nay chưa thực sự được quan tâm ở Việt Nam.