"Hà Nội là một đô thị của sự thích ứng. Ở góc độ nào đó, sự sáng tạo tùy biến có thể coi là tùy tiện, không bền vững. Nhưng ở khía cạnh phát triển, sự sáng tạo mở ra những cơ hội đổi mới và tiếp thu cái mới. Sự phát triển còn bắt buộc những người làm công việc sáng tạo phải tự vấn chính mình đã làm gì để vượt lên mình hôm qua và tạo ra một bản sắc giá trị của mình trong đô thị. Có sự hoài cổ trong cách nhìn về Hà Nội của số đông, bản thân sự hoài cổ cũng không có bất biến, chính sự pha chế nỗi hoài cổ cũng là sáng tạo." - Nhà văn Nguyễn Trương Quý "Nếu hỏi Hà Nội có phải là một Thành phố sáng tạo không, tôi xin khẳng định một cách chắc chắn: “Có”. Hà Nội vốn là vùng đất cổ với những dân cư ở hai bên bờ sông Tô Lịch. Mảnh đất Hà Nội được bồi đắp lớn dần bởi nguồn phù sa màu mỡ của sông Hồng và cư dân cũng dần thêm đông đúc. Trở thành điểm quần cư của nhiều lớp người, Hà Nội dần trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội trở thành cái nôi của sự sáng tạo. Tụ họp về đây là những tinh hoa các vùng, miền cả nước. Các ngành nghề thủ công phát triển, hình thành đất “Kẻ chợ”, với cư dân là những thợ thủ công “khéo tay, hay nghề”, những thị dân đầu tiên của Hà Nội cổ. Cũng từ đây những làng nghề, phố nghề hình thành, phát triển mà điển hình là khu “36 phố phường với tên chữ bắt đàu bằng chữ “Hàng”… Có thể đây là những minh chứng cho những không gian sáng tạo của Hà Nội cổ." - Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, TS Phan Đăng Long |
Thêm sáng tạo để Hà Nội đáng sống hơn
Kinhtedothi - Hà Nội – Thành phố vì hòa bình đã trở thành thương hiệu cho Thủ đô của mảnh đất hình chữ S suốt 20 năm qua.
Du khách quốc tế đến Hà Nội ngày một đông, người ta ngày càng thêm yêu, thêm quý Hà Nội không chỉ bởi trầm tích văn hóa lịch sử hàng ngàn năm, mà còn ở sự hòa nhập, sáng tạo trên chính nền tảng sẵn có.
Sôi động các không gian sáng tạo
Giờ đây, du khách đến với Hà Nội có thể đắm chìm trong những không gian sáng tạo lý tưởng như phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, điểm hẹn đi bộ theo sự kiện ở bích họa Phùng Hưng, phố sách Lý Thường Kiệt, Hoàng thành Thăng Long, Công viên Thống Nhất và hệ thống bảo tàng, nhà văn hóa…
Tựu chung của loại hình sáng tạo, người ta gọi đó là những không gian văn hóa nghệ thuật cộng đồng. Bởi cứ vào dịp cuối tuần, người ta lại tìm đến các con phố quanh Hồ Gươm để dạo bộ, trải nghiệm các chương trình nghệ thuật từ quốc tế đến các vùng miền trong cả nước. Check-in, lang thang cả giờ trong các quầy sách trên phố 19 tháng 12 (hay còn gọi là phố sách) cũng là thú vui giới trẻ lựa chọn. Những không gian ấy được Hà Nội đầu tư để phục vụ người dân và du khách.
Nếu ai không thích nơi ồn ã thì có thể tìm đến các không gian sáng tạo rất bé nhỏ nhưng đầy ý nghĩa do chính những người dân sinh sống ở Hà Nội tạo ra. Đó là không gian sáng tạo về văn hóa nghệ thuật của quán cà phê sách trong một khu tập thể nhỏ ở 27A Đặng Dung với tên gọi Tổ chim xanh hay trao đổi tọa đàm về các mô hình giáo dục nghệ thuật trong quy mô nhỏ tại CUCA. Tất cả được quy định trong loại hình không gian sáng tạo về văn hóa và nghệ thuật và không gian sáng tạo về kiến trúc, thiết kế và thủ công mỹ nghệ, không gian chung, hỗ trợ khởi nghiệp và sáng kiến số.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các không gian sáng tạo với sự xuất hiện của Hanoi Creative City, Heritage space, The Vuon… Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, con số ước tính 200 không gian sáng tạo chắc hẳn sẽ không dừng lại. Và theo từng năm, con số này tăng theo cấp độ con số nhân.
Sáng tạo “made in Hanoi”
Bức tranh sáng tạo không phải ở những tòa nhà cao ốc, những khu công nghiệp sôi động, mà sáng tạo từ nền tảng di sản văn hóa ngàn năm và mang hồn cốt văn minh thanh lịch Hà Nội. Nói về sự sáng tạo của Hà Nội, nhà văn Nguyễn Trương Quý bày tỏ: Việc Hà Nội chưa trở thành một TP toàn cao ốc hay tháp văn phòng đi kèm các khu trung tâm thương mại giống mọi đô thị toàn cầu là một may mắn.
Tinh thần “homemade” hay “gia truyền” thực sự là một giá trị sáng tạo nếu biết khai thác, chẳng hạn những sáng tạo để làm cái riêng trong cái toàn thể của những hàng phố Hà Nội. Bên cạnh đó, những lớp ngầm của di sản văn hóa và lịch sử vẫn còn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống để khiến cho người ở các TP khác trên thế giới có thể “đọc” được đúng giá trị của Hà Nội. “Một nét đặc biệt trong sáng tạo chính là con người Hà Nội.
Ngoài những đặc điểm chung dân tộc, người Hà Nội luôn cởi mở, khoan dung, thân thiện, tinh tế và linh hoạt, sáng tạo. Chính người Hà Nội là sự bảo đảm vững bền nhất cho xây dựng, phát triển Hà Nội là Thành phố sáng tạo, đảm bảo cho hoạt động và sự kết nối thành công” – TS Phan Đăng Long nhấn mạnh thêm.
Nhưng phải thừa nhận, sau khi được UNESCO ghi danh vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của thế giới, những công dân Hà Nội vẫn mong muốn sáng tạo không ngừng nghỉ cho TP của mình, để nơi đây trở thành TP ngày càng đáng sống. Đúng như cam kết với UNESCO trong 4 năm tới, Hà Nội sẽ phải xây dựng 3 chương trình hành động mang tính quốc tế, 3 chương trình hành động của TP và quốc gia.
Nói về chủ trương xây dựng Hà Nội là một Thành phố sáng tạo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã cho biết: Hà Nội đã xây dựng chương trình khởi nghiệp với kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người trẻ trong lĩnh vực công nghệ có sáng kiến, ý tưởng phù hợp. Về không gian phát triển văn hóa, Hà Nội đang phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 25 công viên mới, trong đó dự tính dành ra các không gian để trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo của văn nghệ sĩ Hà Nội.
Cùng với đó, Hà Nội cũng đã tính toán để mở thêm nhiều không gian phố đi bộ, đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm nâng cao đời sống tinh thần cũng như thúc đẩy, truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng.