Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Học người Thái để vượt người Thái

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, dư luận nói rất nhiều về chiến thắng của U15 Việt Nam trước U15 Thái Lan để nâng cao chiếc cúp vô địch giải U15 Đông Nam Á.

Ấn tượng ở chỗ, U15 Việt Nam đã mang được chiếc cúp khỏi Thái Lan và thổi bùng lên hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ vượt mặt đối thủ mạnh nhất khu vực.

Hơn 20 năm qua, kể từ thời điểm bắt đầu được ghi nhận là một trong những đội bóng hàng đầu khu vực thì bóng đá Việt Nam luôn có một giấc mơ phải lật đổ được Thái Lan. Từ SEA Games đến AFF Cup, dư luận luôn chứng kiến khát vọng rực cháy của các đội tuyển Việt Nam trước đối thủ số 1 Thái Lan. Nhưng trong số hàng chục lần đối mặt ở thời khắc quyết định, Việt Nam chỉ một lần thỏa ước mơ vào năm 2008 (AFF Cup), còn bao nhiêu lần khác, người hâm mộ cứ hy vọng để rồi phải thất vọng.

Bóng đá Việt Nam từng đặt ra lộ trình phải đánh bại Thái Lan trong mọi trận tuyến. Chính vì thế, VFF luôn mời các đội tuyển Thái Lan sang thi đấu như một cách để giúp các cầu thủ quen với áp lực từ đối thủ. Dù đặt mục tiêu rất lớn, có thời điểm đánh bại Thái Lan ở những trận giao hữu hay các giải trẻ như lứa U19 Việt Nam năm 2014, nhưng khi bước vào trận quyết đấu, chúng ta lại thua cuộc. Người Thái quá giỏi trong việc giấu bài, ém lực lượng tốt nhất cho đấu trường chính thức. Nhưng quan trọng hơn, họ là một nền bóng đá có hệ thống đào tạo quá bài bản. Dường như bóng đá Thái Lan chưa bao giờ khủng hoảng nhân tài. Trong cùng một thời điểm, họ có thể thành lập vài đội tuyển nhưng khoảng cách về trình độ không khác xa nhau là mấy. Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam chỉ thiếu một mình Tuấn Anh ở AFF Cup 2016 đã được xem là thảm họa.

Người Thái có lòng kiêu hãnh và tự hào rất chính đáng về những gì mình có. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi họ bị sốc vì để U15 Việt Nam mang cúp vô địch khỏi đất nước mình. Thậm chí, đội bóng này đã được tuyển chọn và huấn luyện bởi một HLV Tây Ban Nha với tầm nhìn hướng đến World Cup chứ không phải là xưng bá ở đấu trường khu vực.

Bóng đá Việt Nam luôn sục sôi khát vọng đánh bại Thái Lan. Chúng ta đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thành tham vọng lớn của mình. Thế nhưng, rất nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi nghĩ đến việc đánh bại bóng đá Thái Lan, hãy học họ trong quá trình xây dựng lực lượng. Ở Thái Lan, hầu hết các đội bóng đều hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp. Họ biết kinh doanh, khai thác thương mại để nuôi bóng đá. Và quan trọng nhất, bóng đá Thái Lan luôn coi trọng công tác đào tạo trẻ. Những gì tốt nhất luôn được dành cho bóng đá trẻ. HLV luôn phải là những người giỏi nhất, lại có sự chống lưng của các chuyên gia ngoại. Mặt sân, điều kiện ăn ở và giáo dục luôn ở mức hoàn hảo bởi quan điểm cho rằng, bên cạnh việc đào tạo kỹ thuật, các cầu thủ cần phải được dạy dỗ thành công dân tốt.

Soi lại bóng đá Việt Nam, trong giai đoạn gần đây, người ta bắt đầu chứng kiến những thay đổi quan trọng về công tác đào tạo trẻ. Từ những trung tâm truyền thống như Viettel, SLNA, HAGL đã xuất hiện thêm nhiều lò đào tạo khác như Hà Nội, PVF. Thậm chí, đội bóng trước nay vốn không đặt nặng đào tạo trẻ như Thanh Hóa cũng bắt đầu xây sân tập, tuyển HLV và chiêu sinh đào tạo trẻ.

Các đội bóng Việt Nam bắt đầu nhận ra rằng, họ không thể mãi ném tiền mua sao. Hơn thế nữa, để có được một đội bóng thành công thì cần phải có được bản sắc. Bản sắc đến từ những cầu thủ do đội bóng đào tạo sẽ mang đến sự phát triển lâu dài và ổn định. Đây cũng là cơ sở để bóng đá Việt Nam hy vọng vào sự cất cánh trong tương lai không xa. Bằng chứng là từ lứa U15 đến lứa U20 dự World Cup đều là kết tinh của những năm tháng đào tạo bài bản, có chiều sâu từ các đội bóng.