Nói là âm thầm là bởi, thông tin về giải đấu hầu như không được đón nhận một cách rôm rả như V.League hay mỗi lần Công Phượng, Tuấn Anh của đội tuyển nam ra sân.
Không thể so sánh bóng đá nam và bóng đá nữ bởi như thế là khập khiễng. Nhưng rõ ràng, nếu biến sự thăng hoa và yêu thương sau mỗi kỳ SEA Games thành động lực cho giải VĐQG nữ thì thật là tuyệt vời. Khi ấy, các sân vận động sẽ đông kín khán giả. Cầu thủ nữ được thi đấu trong sự hưng phấn tột cùng và các nhà tài trợ sẽ ùn ùn kéo đến tiếp sức cho giải đấu thăng hoa.
Thế nhưng, những điều nói ở trên chỉ là… giấc mơ trưa, bởi sau những lời có cánh dành cho bóng đá nữ, thậm chí là gây áp lực buộc VFF phải quan tâm hơn đến sân chơi, đến các cầu thủ, thì những người hùng của bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục phải sống trong thế giới vốn luôn lặng lẽ. Khi ấy, sân chơi của họ vẫn chỉ dành cho cầu thủ hai đội, các trọng tài, giám sát, quan chức VFF và số ít khán giả đến sân. Đương nhiên, các nhà tài trợ sẽ không đến và nhiệm vụ tổ chức sân chơi luôn thuộc về VFF vốn chẳng hùng mạnh về tài chính.
Bóng đá nữ vốn quá quen với sự lặng lẽ. Họ lặng lẽ vào giải. Lặng lẽ thi đấu và cố gắng làm tốt nhất trong những gì có thể. Thậm chí, để tổ chức được sân chơi đã là một thành công của cơ quan quản lý bóng đá bởi nó đã tiêu tốn hàng tỷ đồng. Và nếu không có sự hào phóng của nhà tài trợ Thái Sơn Bắc vốn làm vì nghĩa chứ chẳng phải giá trị truyền thông thì sân chơi này chẳng biết sẽ thế nào.
Thôi thì cứ mừng vì sân bóng đá nữ lại sáng đèn. Cơ hội để các tài năng thắp sáng ước mơ của mình lại đến. Và qua sân chơi này, những người vốn chịu nhiều thiệt thòi được thi đấu, được tỏa sáng và sống với đam mê của mình. Còn với các nhà tuyển trạch, họ có cơ hội tìm kiếm những tài năng mới để chuẩn bị cho VCK Asian Cup 2018 vốn đang đến gần.