Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Sự quyết liệt và lời nói thật

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá nước nhà đang có những khác biệt lớn về định hướng chiến lược và phương thức hành động.

Sự khác biệt này lớn đến mức, các nhà điều hành bóng đá khó có thể tuyên bố chọn hướng đi này hay từ chối quan điểm khác. Và hệ quả tất yếu là đến giờ, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có được một chiến lược tổng thể, dài hơi.
 Ảnh minh họa
Dù đã gửi đơn từ nhiệm Phó Chủ tịch VFF thì ông Đoàn Nguyên Đức vẫn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Nói về SEA Games, ông bầu này chỉ rằng U22 thua là do thiếu may mắn chứ không phải do HLV “có vấn đề về chuyên môn”. Rồi, U22 Việt Nam vẫn là đội bóng mạnh, không hề thua kém những đội hàng đầu khu vực.
Không quá khó để nhận ra vì sao bầu Đức nói khác về thất bại của U22. HLV Hữu Thắng do bầu Đức lựa chọn. Lứa cầu thủ U22 phần lớn thuộc về lò đào tạo của bầu Đức. Thậm chí, những sai lầm của ông Thắng về chuyên môn cũng có bóng dáng của bầu Đức khi từ chối sự tham vấn của Giám đốc kỹ thuật Gede. Doanh nhân này đã đánh cược chiếc ghế đầy quyền lực của mình vào thành bại của đội bóng trẻ.
Bầu Đức dùng quân và phải bảo vệ quân là tất yếu. Ông cũng không thể thừa nhận mình đã sai lầm khiến đội tuyển phải trả giá đắt. Nhưng, vấn đề ở chỗ, ngay cả khi đã chấp nhận trả giá thì bầu Đức vẫn can dự một cách mạnh mẽ vào đời sống bóng đá dù trên tư cách “một cổ động viên”. Ông không chấp nhận việc người hùng Hoàng Anh Tuấn vào chiếc ghế ứng cử viên do chưa có thành tích nào đặc biệt ở V.League. Ông đòi giải tán Hội đồng HLV vốn tập hợp các nhà chuyên môn hàng đầu vì cho rằng vô tác dụng, dù chính mình từng vô hiệu hóa ban chuyên môn khi ấn ông Thắng vào chiếc ghế HLV trưởng.
Sự quyết liệt của một nhà lãnh đạo là cần thiết. Nhưng, trong những trường hợp cụ thể, nếu không có được sự phản biện và tỉnh táo thì có thể mang đến những sai lầm triền miên. Đơn giản bởi, không phải ông bầu nào cũng hiểu bóng đá dù rất yêu, rất tâm huyết với môn thể thao này. Và khi đã quá yêu, người ta thường hay lạc quan khi nghĩ về bản thân, về tương lai.
Trong khi đó, ông bầu Đỗ Quang Hiển lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng, bản chất bóng đá Việt Nam vẫn thua kém Thái Lan vài bậc: “Chúng ta thất vọng bởi đánh giá đội ngũ mình quá cao. Thực tế là bóng đá Việt Nam vẫn thua Thái Lan vài bậc. Muốn vượt họ thì phải tĩnh tâm mà nhìn nhận. Bóng đá Việt Nam phải phát triển trẻ, phải có giám đốc chiến lược, giám đốc dinh dưỡng, giám đốc kỹ thuật. Cả nền bóng đá phải ngồi lại với nhau, cái nào thiếu thì bổ sung thì sau vài ba năm mới hy vọng vượt được người Thái, còn hiện tại, cứ hô hào đánh bại họ là khiên cưỡng”.
Ông Hiển khác bầu Đức bởi lăng kính. Nếu bầu Đức thường thích can dự vào những vụ việc cụ thể, con người cụ thể thì bầu Hiển lại đứng thật xa để trở thành nhà quan sát. Nhưng rõ ràng, cái cách đặt vấn đề của ông Hiển rất đáng để suy ngẫm. Từ việc bóng đá Việt Nam không thể đánh bại thế lực hàng đầu khu vực bởi một lò đào tạo đến xây dựng chiến lược phát triển cho cả nền bóng đá. Đơn giản là chuyện tìm kiếm HLV trưởng đội tuyển quốc gia hiện nay. Trong thời gian ngắn hạn, việc HLV Hoàng Anh Tuấn hay bất cứ ai ngồi ghế HLV trưởng cũng không có quá nhiều khác biệt. Bởi, muốn có khác biệt thì phải đầu tư về chất xám, tiền bạc và thời gian chứ không phải ngồi đó tranh cãi về tiêu chí tuyển chọn.