Cụ thể, Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97% - 51,61% (giá CIF) đối với các sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, thuế chống bán phá giá sẽ được miễn áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa liên quan nhằm sản xuất để xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu với mục đích sử dụng đặc biệt hoặc hàng hóa được xếp vào loại đặc biệt.
Lệnh áp thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng tối đa trong 5 năm và hàng năm các thành viên có thể tiến hành rà soát mức thuế áp dụng trên cơ sở có yêu cầu chính thức từ phía các bên liên quan hoặc cơ quan điều tra thấy cần thiết. Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các DN xuất khẩu Việt Nam tiếp tục xem xét tham gia các đợt rà soát để bảo đảm quyền và lợi ích trong quá trình Thái Lan rà soát.
Một số chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có những động thái tích cực và mạnh mẽ phù hợp với các cam kết quốc tế trước việc ban hành và áp dụng các chính sách thương mại một chiều của các quốc gia khác mà chúng có thể gây ảnh hưởng hay tác động tiêu cực đến DN Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Về phía DN Việt Nam, sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức về các chính sách thương mại quốc tế là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.