Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thí điểm cho thuê vỉa hè: Cần minh bạch trong quá trình triển khai

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến tháng 1/2024, Hà Nội sẽ xem xét Đề án quản lý lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố đủ điều kiện để cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ.

Đây là thông tin được nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh và các DN chờ đón. Song, dưới góc độ quản lý, đây là câu chuyện vừa mừng, vừa lo.

Sự nghiêm túc của các đơn vị chức năng

Vừa qua, tại phiên họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, các đơn vị chuyên môn TP đang xây dựng Đề án quản lý lòng đường, vỉa hè. Theo dự kiến, việc quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, Vành đai 1, 2, 3…

Vỉa hè phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Lại Tấn
Vỉa hè phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Lại Tấn

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã lập danh sách 10 tuyến phố với 36 vị trí để đề xuất thí điểm gia đoạn 1 việc cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh. Theo đó, trong giai đoạn 1, quận Hoàn Kiếm thí điểm thêm 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Đồng thời thí điểm 21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền.

Giai đoạn 2, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung các tuyến phố cho thuê vỉa hè tại khu vực phố cổ Hà Nội - những tuyến phố giáp chợ, không là trục giao thông chính, vỉa hè đủ rộng từ 3m trở lên. Tại đây, các hộ mặt phố được thuê hè để kinh doanh với bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải bảo đảm lối đi cho người đi bộ, đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.

Theo ghi nhận, cùng với việc chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án quản lý lòng đường, vỉa hè, TP Hà Nội đã đưa ra những tiêu chí nhất định trong việc lựa chọn thí điểm việc cho thuê vỉa hè. Theo đó, việc kinh doanh phải được xác định cụ thể loại hình (ăn uống, giải khát...) và thời gian được phép kinh doanh (ban ngày, ban đêm, khung giờ cụ thể đó, các tuyến phố được lưa chọn thí điểm phải bảo đảm chiều rộng 5m trở lên và phải có thiết kế đô thị. Đồng thời phải bảo đảm tối thiểu 1,5m chiều rộng vỉa hè dành cho người đi bộ; việc kinh doanh phải được xác định cụ thể loại hình và thời gian được phép kinh doanh…

Theo các chuyên gia, những năm qua, TP Hà Nội đã dành rất nhiều tâm huyết cho công tác bảo đảm trật tự đô thị. Song thẳng thắn mà nói, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện sai quy định lại rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”. Do đó, việc TP Hà Nội tính toán phương án cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân.

Xây dựng quy chế xử lý vi phạm

Bên cạnh việc đồng thuận với chủ trương cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh, một số chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, xã hội học cũng đặt ra không ít vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Một số chuyên gia băn khoăn, vỉa hè sinh ra với mục đích chính là phục vụ người đi bộ. Do đó, lấy gì cam kết rằng, khi tổ chức cho thuê vỉa hè khách du lịch sẽ đến Hà Nội, đến với phố cổ cao hơn so với bình thường khi những vấn đề việc bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lo lắng trước viễn cảnh các hộ kinh doanh dù đã được thuê vỉa hè nhưng vẫn tiếp tục lấn chiếm hết phần diện tích dành cho người đi bộ - điều đã và đang xảy ra tại nhiều tuyến phố của Thủ đô, gây mất trật tự đô thị, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị…

Theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, việc cho thuê vỉa hè là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, để tránh những xung đột, hệ luỵ đáng tiếc có thể xảy ra, các đơn vị chức năng cần phân cấp cho chính quyền cấp phường, xã tiến hành xác định đối tượng được phép thuê vỉa hè. Bởi, hơn ai hết, những cán bộ cơ sở mới là người nắm được địa bàn, hoàn cảnh của từng cá nhân…

PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng, để đề án đem lại hiệu quả bền vững, các đơn vị chức năng cần thường xuyên đánh giá theo những mốc thời gian nhất định để người dân, các tổ chức nắm được và có biện pháp xử lý kịp thời đối với những trường hợp cố tình vi phạm. “Các đơn vị chức năng cần xây dựng quy chế, biện pháp xử lý đối với những trường hợp tái vi vi phạm” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khi xem xét các tuyến vỉa hè cho thuê, cần lấy người dân làm nền tảng cơ bản, xem xét làm sao tạo thuận lợi cho người dân từ đi bộ, liên kết giao thông và nhà dân, đặc biệt phải có kiến trúc cảnh quan. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần hoàn thiện thể chế, có thể là một văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc chung cho các tuyến phố.

 

Theo thống kê của TP Hà Nội, hiện nay có khoảng 6,2% tuyến đường còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, khoảng 22,4% tuyến phố có tình trạng hè phố bị khai thác, sử dụng trái phép để kinh doanh hoặc trông giữ xe.