Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm
UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng báo cáo về việc tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận cho hay, phạm vi hoạt động kinh tế đêm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ mua sắm; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Các hoạt động du lịch; Các hoạt động vận chuyển; Các hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động kinh tế đêm.
Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” |
Để tham gia tổ chức thí điểm phát triển KTĐ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đáp ứng các điều kiện cơ bản gồm: Phải có đăng ký kinh doanh và các giấy tờ liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Có địa điểm kinh doanh trong nhà, cam kết đảm bảo các yêu cầu về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; có phương án chủ động đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ tại cơ sở kinh doanh, bố trí nơi gửi phương tiện cho khách hàng. Tổ chức phát wifi miễn phí và cho du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh của cơ sở kinh doanh.
Các Không gian tạo động lực phát triển kinh tế đêm gồm: Khai thác có hiệu quả hoạt động của Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Các không gian đi bộ trong Khu phố cổ; Phát triển ẩm thực tại khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua gắn với thương hiệu văn hóa của Chợ Đồng Xuân, khai thác khu vực mái vòm (tầng 3), khu vực quảng trường trước cổng chính của chợ, kết hợp với khai thác chức năng thương mại tại khu đất 40 Thanh Hà - 17 Nguyễn Thiệt Thuật, cấu trúc lại tuyến phố Hàng Khoai, Cao Thắng và khu vực xung quanh chợ Đồng Xuân.Phát triển Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu (đã được UBND Thành phố, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố thông qua) để tổ chức Không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu (trong đó: giai đoạn 1 - tiếp tục triển khai việc đục thông, gia cố, cải tạo các ô vòm cầu tiếp theo, hoán đổi các bức bích họa tại Khu vực Bích họa Phùng Hưng để tạo điểm nhấn đối với dự án thí điểm giai đoạn 1).
Phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ: hoàn thành công tác cải tạo, chỉnh trang tuyến phố, nâng cao chất lượng, tổ chức các hoạt động ẩm thực đặc sắc trên tuyến phố, kết nối với Không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu để tạo thành chỉnh thể thống nhất.
Phát triển tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại, xây dựng phương án vận hành, khai thác, sử dụng phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 (đoạn Ngô Quyền cắt giữa) thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực (có thể mở rộng ra phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ, Lý Thái Tổ - khu vực xung quanh Nhà hát Lớn).
Tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố trong Khu phố Cổ; thiết lập các khu vực mua sắm tập trung, mua sắm chuyên đề để phục vụ nhu cầu của du khách cùng với việc nâng cấp chất lượng dịch vụ tại hệ thống các trung tâm thương mại, chợ, điểm mua sắm sẵn có trên địa bàn.
Các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần.
Riêng các hoạt động ngoài trời tổ chức đến 24h00. Các điểm di tích, di sản phục vụ du lịch mở cửa đến 24h00.
Thời gian triển khai gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 1/9/2020 đến 31/8/2021): Tập trung phát triển các Không gian động lực cho kinh tế đêm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế đêm toàn diện trên toàn địa bàn quận. Giai đoạn 2 (từ 1/9/2021): Phát triển kinh tế đêm toàn diện trên địa bàn quận.
Tại Hội nghị, ý kiến của các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch cho thấy, việc phát triển kinh tế đêm có thể coi là đòn bẩy cho du lịch khi Covid-19 cơ bản được khống chế, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Mang lại nhiều dịch vụ cho du khách, việc làm, thu nhập cho người lao động
Cử tri phường Lý Thái Tổ, bà Nguyễn Thị Minh Hà bày tỏ đồng tình với việc thí điểm phát triển kinh tế đêm của quận. Theo bà Hà, thời gian qua quận tổ chức tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; thí điểm bán hàng đến 2 giờ đêm... cho thấy việc kinh doanh đêm rất hiệu quả thu hút nhiều hơn du khách du lịch đến với Hà Nội, và ở lại lưu trú âu hơn. Nếu quận tổ chức được các dịch vụ về đêm sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, “ban ngày du khách đi tham quan điểm du lịch, ban đêm họ có thể đi dạo và mua sắm”.
Cử tri Trần Thị Diệu, đại diện Cty TNHH thương mại, dịch vụ Phong Cách Việt cho rằng du khách đén với Hà Nội là rất lớn, chỉ tính riêng năm 2019 ngành du lịch Thủ đô đón 29 triệu lượt khách (7 triệu là du khách Quốc tế), ngoài ra Hà Nội có khảng 10 triệu người sinh sống bao gồm cư dân, người nước ngoài và ngoại tỉnh. Mức chi tiêu trung bình của du khách tại Việt Nam còn khá thấp, bình quân khoảng 95USD/ngày. Trong khi đó theo thống kê của các nước du khách sẽ dành 50% chi tiêu ban ngày 50% chi tiêu cho các dịch vụ giải trí ban đêm.
Tuy nhiên các dịch vụ kinh doanh ở Hà Nội chủ yếu hoạt động từ 7h sáng đến 18h tối và đây là một hạn chế.
“Khách quốc tế từ các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan... vốn đã quen với các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm của nước họ, do vậy, du khách thường mong muốn được trải nghiệm các dịch vụ kinh tế đêm tại điểm du lịch”, bà Trần Thị Diệu bày tỏ.
Trong khi đó, việc thúc đẩy kinh tế vào ban đêm sẽ mang lại nhiều dịch vụ cho du khách, việc làm, thu nhập cho người lao động, nguồn thu cho doanh nghiệp.
Cử tri Lê Thị Phong Lan (phường Trần Hưng Đạo), cho rằng, hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều có nền “Kinh tế ban đêm” phát triển. Chính quyền các thành phố đó khuyến khích và thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án khai thác tiềm năng kinh tế đêm, gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của riêng mình.
Hàng nghìn quán ăn, cửa hàng, dịch vụ thương mại, mua sắm, giải trí, nghệ thuật hoạt động ngày đêm, thậm chí còn sôi động hơn khi mặt trời lặn, đã biến những thành phố không ngủ như London, New York, Hong Kong, Bangkok… trở thành thánh địa vui chơi, thu hút hàng trăm triệu du khách mỗi năm, mang tới nguồn doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch, đồng thời tạo ra nguồn công việc và thu nhập lớn cho người lao động.
“Vì những lẽ trên, có thể nói phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế”, cử tri bày tỏ.
Cùng với đó, cử tri đề nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước để tránh biến tướng, tệ nạn có thể phát sinh từ các hoạt động dịch vụ diễn ra vào khung giờ đêm. Xây dựng văn hóa giao tiếp, phục vụ cho du lịch. Cần phát huy truyền thống văn hóa hiếu khách, yêu quý sự thân thiện, hòa bình… Tuyệt đối xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo, bu bám du khách, nạn “chặt chém”, “hét giá” các dịch vụ du lịch, nạn lừa đảo bằng hàng giả, “dịch vụ giả”, thậm chí nạn bạo hành khách du lịch…
Cũng tại Hội nghị, cử tri Nguyễn Văn Lượng (phường Hàng Bông) nêu cần nghiên cứu tạo ra một số sản phẩm hướng tới khách du lịch hoạt động về đêm; cử tri Nguyễn Thị Minh Hà (phường Lý Thái Tổ); Đào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống), cử tri Nguyễn Mạnh Đức (phường Cửa Đồng) đề nghị cần quan tâm đầu tư các dịch vụ mua sắm, hoạt động giải trí, ẩm thực, phát triển thương mại, du lịch khu vực phố Phùng Hưng, Tống Duy Tân... Cử tri Nguyễn Quyết Thắng (phường Hàng Mã) đề nghị quan tâm công tác tuyên truyền, quảng bá cần tổ chức bài bản, bền vững để kích cầu du lịch, phát triển các dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, định hướng phát triển phù hợp cho từng giai đoạn...
Xây dựng các chương trình, tour du lịch vào ban đêm
Phát biểu kết luận hội nghị tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Anh Quân – Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, có thể nói, một số hoạt động kinh tế đêm trên địa bàn quận được triển khai trong thời gian qua đã đạt được những thành công nhất định, có đóng góp tích cực trên nhiều khía cạnh.
Cụ thể, phát triển kinh tế du lịch, thu hút và tăng mức chi tiêu của du khách; nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tăng thu ngân sách quận; tạo việc làm cho người lao động; phát triển ngành ẩm thực, giải trí; quảng bá hình ảnh, văn hóa... dần hình thành không gian du lịch hoàn chỉnh, chất lượng cao, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.
Sau khi Đề án được triển khai thực hiện, UBND quận sẽ triển khai công tác phối hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng các chương trình, tour du lịch vào ban đêm để du khách trải nghiệm như: tham quan di tích lịch sử, văn hóa, khám phá ẩm thực về đêm, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật nhằm kéo dài thời gian khách du lịch ở lại quận.
Cùng với đó, để triển khai phát triển kinh tế đêm đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền được UBND quận tập trung triển khai, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, nhìn nhận và đánh giá về vai trò của KTĐ, trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung và sự cần thiết của việc phát triển kinh tế đêm, tạo sự đồng thuận khi triển khai; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức cho các cơ sở kinh doanh đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh trật tự, trật tự đô thị, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.