Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thí điểm sản xuất giống ngô biến đổi gen: Triển vọng mới cho nông nghiệp sinh thái

Ánh Ngọc - Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng suất cao, chi phí sản xuất giảm, góp phần bảo vệ môi trường là những đặc tính nổi bật của giống ngô biến đổi gen (BĐG) NK 4300Bt/GT được các chuyên gia nông nghiệp nêu ra tại hội thảo Đánh giá kết quả mô hình trồng ngô BĐG vụ Đông năm 2016 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 22/12.

Tăng năng suất, giảm chi phí       
Vụ Đông năm 2016, hộ bà Nguyễn Thị Kỳ, ở thôn Đan Thê, xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) trồng 7 sào  ngô BĐG và 2 sào  ngô đang sản xuất đại trà tại địa phương. Bà Kỳ chia sẻ: “Trồng ngô BĐG rất nhàn trong khi chi phí sản xuất cũng thấp hơn. Nếu như trước đây, mỗi sào ngô tôi phải mất 3 ngày công lao động thì nay chỉ cần 1 – 2 giờ là làm sạch cỏ ngô”. Tương tự, ông Lê Minh Hùng, ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho hay, với 5 sào ngô BĐG, gia đình ông thu được 1,3 tấn ngô hạt, trừ các khoản chi phí, lãi 1,5 triệu đồng.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội thăm mô hình trồng ngô biến đổi gen tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì.  Ảnh:  Ánh Ngọc

Mặc dù cây ngô không phải cây trồng chính trong cơ cấu giống của Hà Nội, tuy nhiên, ngay sau khi Bộ NN&PTNT chính thức công nhận 4 giống ngô BĐG, Hà Nội đã nhanh chóng đưa vào thí điểm sản xuất, nhằm khuyến khích người nông dân làm quen với giống ngô triển vọng này. Vụ Đông 2016, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng mô hình trồng ngô BĐG bằng giống NK 4300Bt/GT. Đây là giống ngô được Bộ NN&PTNT cho phép sản xuất thương mại tại Việt Nam, có  điểm ưu việt là kháng sâu đục thân và chịu được thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate. Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai 2 mô hình, quy mô 10ha/mô hình tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì và xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ với 186 hộ nông dân tham gia sản xuất.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) giống ngô BĐG NK 4300Bt/GT đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật so với giống ngô đối chứng. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế đạt 45 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình ngô đối chứng khoảng 6 triệu đồng/ha.         
Thí điểm nhân rộng giống ngô triển vọng
Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên dưới 7 triệu tấn ngô hạt. Do đó, việc mở rộng diện tích trồng ngô không chỉ có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, diện tích gieo trồng lại có xu hướng giảm. Riêng tại Hà Nội, những năm gần đây diện tích canh tác ngô chỉ đạt mức 20.000ha/năm. Nguyên nhân do chi phí sản xuất cao, hiệu quả sản xuất thấp. Trong đó, sâu bệnh và cỏ dại được coi là 2 yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất.
Theo TS Ngô Vĩnh Viễn – Nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, ưu điểm của giống ngô BĐG là kháng được sâu đục thân hoàn toàn nên nông dân không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đồng thời, giống ngô cũng kháng được thuốc trừ cỏ, từ đó vừa tiết kiệm được ngày công lao động, chi phí sản xuất, vừa cho năng suất cao. Đây là cơ sở để Hà Nội tiếp nhận và mở rộng diện tích trồng giống ngô BĐG nói chung và giống ngô NK 4300Bt/GT nói riêng. Trong đó, chú trọng việc mở rộng các mô hình trình diễn tại nhiều địa phương trên địa bàn TP trong những năm tiếp theo.
Hiệu quả của ngô BĐG mang lại là không thể phủ nhận, song do lần đầu tiên thực hiện mô hình nên không ít nông dân còn tâm lý e ngại, lo lắng trước những thông tin trái chiều về sản phẩm. Do đó, ngành nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt để nông dân nâng cao nhận thức về đặc tính ưu điểm của giống ngô BĐG. Tránh để xảy ra tình trạng nông dân không hiểu đúng về giống cây trồng BĐG. Ông Trương Công Toán – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đan Thê (xã Sơn Đà) cho biết, từ sản xuất thực tế cho thấy, giống ngô BĐG có đặc tính chịu hạn tốt nên khi đưa vào địa phương có đồng đất chân vàn cao sẽ phù hợp hơn so với canh tác trên đất 2 lúa. Bà con nông dân địa phương mong muốn Sở NN&PTNT Hà Nội, các nhà khoa học tiếp tục đầu tư nghiên cứu, cho ra đời các bộ giống cây trồng mới, trong đó có giống ngô BĐG đạt tiêu chuẩn tiến bộ kỹ thuật.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho rằng, để giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, huyện kiến nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ địa phương nhân rộng mô hình trồng ngô BĐG trên phạm vi toàn huyện. Về phía huyện cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cho giống ngô BĐG triển vọng này trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Dần cũng thẳng thắn góp ý: “Hiện nay, chúng ta mới chú trọng phần hạt bắp. Về lâu dài, cần tính đến giá trị sử dụng của thân cây ngô, tránh gây lãng phí. Ngoài ra, sản lượng ngô thương phẩm vẫn chủ yếu phục vụ chăn nuôi, lợi nhuận chưa thực sự thuyết phục nên chưa thu hút được đông đảo nông dân tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất”.
Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định,  những năm gần đây, mặc dù TP có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân nhưng diện tích cây vụ Đông vẫn giảm. Do đó, việc đưa giống ngô BĐG vào sản xuất thí điểm đã mở ra hướng sản xuất mới, góp phần thúc đẩy tăng diện tích trồng ngô nói riêng và vụ Đông nói chung trên địa bàn TP. Thời gian tới, Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận những giống ngô BĐG được Bộ NN&PTNT công nhận và cho phép sản xuất thí điểm. Tuy nhiên, với giá bán 185.000 đồng/kg, giống ngô BĐG vẫn có  mức giá cao hơn khá nhiều so với các giống ngô khác trên thị trường. Vì vậy, nhà cung cấp giống (Công ty Syngenta Việt Nam) nên hạ giá thành để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích.
Trung tâm sẽ tiếp tục chỉ đạo các Trạm Khuyến nông cơ sở tuyên truyền mạnh về hiệu quả của giống ngô BĐG. Bên cạnh đó, đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục cho phép đơn vị đảm nhận nhiệm vụ xây dựng các mô hình trình diễn ngô BĐG tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn TP.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
Vũ Thị Hương