Áp lực nhà giáo
Tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 do Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức cuối tuần qua, nhiều GV đã bày tỏ quan điểm của mình khi đề cập đến những áp lực trong nghề dạy học, đặc biệt là cuộc thi GV dạy giỏi cũng như viết đề tài sáng kiến.
Theo cô Lương Thị Hòa – GV trường Tiểu học và THCS Cao Sơn (Hòa Bình), cần giảm bớt gánh nặng các cuộc thi học sinh giỏi để GV dành thời gian đứng trên bục giảng. Cô Hòa dẫn chứng, năm 2017, trong vòng một tháng, bản thân cô tham gia 4 cuộc thi GV giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Âm nhạc và thi Tổng phụ trách Đội giỏi. Áp lực từ 4 cuộc thi khiến cô giảm 10kg. Nhiều đồng nghiệp cũng chia sẻ họ gặp nhiều áp lực khi phải tham gia các kỳ thi như vậy. “Đầu tiên là áp lực thành tích, có khi là thành tích thật nhưng cũng có khi là thành tích không có thật” - cô Hòa nói, đồng thời cho biết GV vùng khó khăn chỉ muốn dành thời gian đứng lớp với học sinh.
Phong trào GV giỏi, GV chủ nhiệm giỏi tuy có nhiều thành tích, hiệu quả, nhưng do cách thức tổ chức thực hiện còn bất cập, thậm chí có nơi chỉ đạt hình thức còn bản chất đã bị biến tướng, lệch khỏi chuẩn mực, nên tác dụng phần nào đã bị giảm sút. Bản chất của thi đua, danh hiệu là sự tự nỗ lực, vươn lên trong dạy học chứ không phải khoa trương thành tích. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội |
Còn cô Nguyễn Thị Thoa - trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Minh Phát, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cũng cho rằng, ngoài áp lực dạy học, GV hiện nay cũng tham gia nhiều cuộc thi, sáng kiến kinh nghiệm. Cô Thoa chia sẻ, 8 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua là 8 năm viết sáng kiến kinh nghiệm, trong khi nhiệm vụ của cô chủ yếu là đứng lớp và làm công tác Đội. "Trên thực tế, có những đồng nghiệp là GV dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhưng do không có kinh nghiệm viết sáng kiến cũng bị đánh trượt danh hiệu thi đua" - cô Thoa trăn trở.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, ngành Giáo dục cần giảm cả số lượng hồ sơ sổ sách mang tính hình thức để giảm gánh nặng cho GV chủ nhiệm bởi GV chủ nhiệm không chỉ dạy, quản lý học sinh mà còn phải đảm nhiệm các chế độ dành cho học sinh, quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của học sinh.
Sẽ không thi giáo viên giỏi chỉ để “diễn"
Trả lời nhưng băn khoăn trên, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) Phạm Tuấn Anh cho biết, qua rà soát cho thấy, có một số nơi thực hiện chưa đúng, thi GV giỏi nhưng GV “diễn đi diễn lại” một giờ dạy làm sai lệch mục tiêu, ý nghĩa của cuộc thi. Vì thế, sắp tới, Bộ sẽ xét GV giỏi dựa vào quá trình dạy học. “GV giỏi sẽ không chỉ đánh giá qua một giờ dạy mà cần xét cả quá trình và có ra tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng - ông Tuấn Anh nói.
Trước đó, tại buổi tọa đàm về việc công nhận GV dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi trong bối cảnh hiện nay do Bộ GD&ĐT và trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến đồng tình về chủ trương xét thay vì thi GV dạy giỏi như hiện nay. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến vẫn còn thấy băn khoăn về chủ trương này, nhất là những tiêu chí mang tính định lượng.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hưng, Thái Bình Trần Đức Cường nhận xét, ưu điểm của hình thức thi hiện nay, đặc biệt ở cấp huyện, cấp tỉnh, là đánh giá được tương đối toàn diện năng lực của GV, so sánh được GV ở đơn vị này với đơn vị khác. Tuy nhiên, thứ nhất vì thi nên có nhược điểm là dễ dẫn đến việc ôn luyện - đào tạo “gà nòi”. Thứ hai, bài thi không thể lột tả hết quá trình, năng lực, hiệu quả công tác của GV. Thứ ba, vì áp lực liên quan đến thi đua các cấp, nên cấp phòng áp lực cho trường, cấp trường áp lực lên GV để thi đua với trường khác. Áp lực do chính các cấp quản lý đang đè nặng lên đội ngũ GV.
Còn Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Đầm cho rằng, từ khi có Thông tư 21 (Điều lệ Hội thi GV dạy giỏi, năm 2010), đã tổ chức 3 hội thi GV dạy giỏi cấp tỉnh. Qua 3 hội thi, sở rút ra nhận xét: Thông tư yêu cầu khả năng và năng lực của GV dạy giỏi không mâu thuẫn. Nhưng mâu thuẫn lại xuất phát từ nội tại của Thông tư. 3 nội dung thi, Thông tư yêu cầu phải có sáng kiến kinh nghiệm, thi năng lực và thi thực hành. Tuy nhiên, sáng kiến kinh nghiệm của GV chỉ cần áp dụng được trong nhà trường, tổ nhóm chứ áp dụng cho toàn tỉnh trong 4 năm như Thông tư quy định là rất khó.
Trước những bất cập này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ nên tổ chức hội thảo để nhìn nhận lại việc tổ chức thi GV dạy giỏi, từ đó tìm ra mô hình mới, tránh áp lực không cần thiết lên đội ngũ nhà giáo.