Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị hiếu nhiều hơn chất lượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, có một hiện tượng nổi lên trong làng điện ảnh là việc làm phim truyền hình Việt Nam chuyển thể từ kịch bản nước ngoài được mua bản quyền.

KTĐT - Hiện nay, có một hiện tượng nổi lên trong làng điện ảnh là việc làm phim truyền hình Việt Nam chuyển thể từ kịch bản nước ngoài được mua bản quyền.

Thông thường đó là những bộ phim đã rất ăn khách ở nước ngoài hoặc bản gốc được khản giả trong nước mến mộ. Và hàng loạt những bộ phim có nguyên bản nước ngoài ấy, dù rằng vẫn ăn khách, vẫn thu hút người xem, nhưng phần nhiều là do tò mò chứ không phải sự cuốn hút của nội dung, khả năng diễn xuất và thực tế cho thấy ít có phim nào chạm vừa cái bóng của bản gốc chứ chưa nói gì đến chuyện vượt qua.

Một loạt các bộ phim truyền hình được chuyển thể từ nguyên bản nước  ngoài đã và đang ra mắt khán giả như  “Những người độc thân vui vẻ” (từ phim Trung Quốc), “Cô gái xấu xí” (Colombia), “Người mẹ nhí” (Tây Ban Nha), Nguyệt quán (Italia), “Cô nàng bất đắc dĩ” (từ bộ phim Lalola được mua bản quyền của Argentina)... Và đặc biệt là các bộ phim có nguyên bản từ Hàn Quốc từ  “Mùi ngò gai”, “Vườn ảo thuật”, “Hoa dã quỳ”, “Lẵng hoa tình yêu”, “Có lẽ nào ta yêu nhau”, “Ngôi nhà hạnh phúc” …

Theo các hãng phim, một trong những lý do chính mà các hãng phải mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa là nguồn kịch bản hay trong nước quá khan hiếm. Sự thiếu hụt ấy càng trở nên trầm trọng khi ngày càng nhiều hãng tham gia sản xuất phim truyền hình, mà đội ngũ tham gia viết kịch bản phim truyền hình trong nước chưa nhiều và chưa chuyên nghiệp nên  buộc các nhà sản xuất phải tìm cách xoay xở. Mua kịch bản nước ngoài là giải pháp tạm thời tốt nhất, dù biết rằng từ khâu thương lượng mua bản quyền cho đến khi thành phẩm “made in Việt Nam” là cả một công đoạn phức tạp, nhiêu khê, tốn kém không ít (tiền bản quyền, thuê người chuyển ngữ, viết lại kịch bản...). Thế nhưng bù lại nhà sản xuất có thể yên tâm về chất lượng kịch bản vì ít ra mức độ ăn khách đã được kiểm chứng ngay nước sở tại.

Thật ra, việc làm lại một bộ phim hay của nước khác là chuyện đang phổ biến trên thế giới. Nhưng phim thành công ở nơi xuất xứ không có nghĩa sẽ thành công tương tự khi du nhập vào nước sở tại. Điều này đã được kiểm chứng qua các phim đã phát sóng nếu như không giữa đường đứt gánh như “Những người độc thân vui vẻ”, bộ phim “Cô gái xấu xí” ít nhiều nhận được sự ủng hộ của người xem ở dàn diễn viên tốt và một số nhân vật có cá tính. Một số bộ phim khác thường nhận được nhiều lời chê hơn khen. Bộ phim “Có lẽ nào ta yêu nhau” vừa khép lại trên sóng VTV1 cách đây không lâu được chuyển thể từ kịch bản “Anh em sinh đôi” (Hàn Quốc) cũng vấp phải sự phản ứng của người xem vì khác xa so với bản gốc. Không những thế, mặc dù nhân vật nói tiếng Việt, đặt trong bối cảnh Việt nhưng nhiều tình huống và lời thoại lại xa rời với đời sống người Việt.

Bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất của khán giả bởi nguyên bản Hàn Quốc vốn là một bộ phim hay và ăn khác. Ngay khi có tin đạo diễn Vũ Ngọc Đãng làm lại bộ phim này với dàn diễn viên Minh Hằng, Lam Trường, Thủy Tiên, Lương Mạnh Hải, rất nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu phiên bản mới này có đủ hấp dẫn như bản gốc hay không và bộ đôi diễn viên chính Minh Hằng - Lương Mạnh Hải có đủ sức đảm đương hai vai diễn đã quá nổi tiếng của Song Hye Kyo và Bi-Rain. Và khi “Ngôi nhà hạnh phúc” mới chiếu được mấy tập đầu người xem đã thấy có nhiều điều không ổn. Ngay ở phần phục trang cho nhân vật trong phim đã xa rời bản gốc. Nhân vật Minh Minh do Minh Hằng đóng, nếu như theo bản gốc là cô gái ngây thơ, ăn mặc đẹp tự nhiên, thì trong phim Việt nhân vật chính này ăn mặc vừa lạ vừa cục mịch. Ngược lại, nhân vật Vương Hoàng do Lương Mạnh Hải thủ vai lại mặc điệu đà và diêm dúa quá mức... Lời thoại của nhân vật cũng có vấn đề. Bản gốc “Ngôi nhà hạnh phúc” từng được khán giả Việt xếp vào một trong những phim Hàn có lời thoại hay nhất, vừa dí dỏm lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, thì lời thoại trong phiên bản Việt lại dài dòng và… nhạt như nước ốc.

Theo nhiều người nhận định, một trong những nguyên nhân các phim này chưa thành công là Việt hóa chưa tới. Xem phim, khán giả cứ ngỡ như đang theo dõi một câu chuyện xảy ra ở đâu đó xa xôi, dù đã được "Việt hóa". Mặc dù, các đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất đã rất cố gắng để không làm lệch pha bộ phim và xa rời đời sống thực. Như khi làm bộ phim “Mùi ngò gai”, đạo diễn, tác giả kịch bản người Hàn Quốc đã sống cùng người Việt Nam trong thời gian năm tháng để thẩm thấu tư duy, cách sống của người Việt. Con diễn viên Ngọc Hiệp đã kể rằng, trước khi ra mắt khán giả truyền hình bộ phim “Người mẹ nhí”, hãng của chị và cả êkíp cũng cố gắng "tỉa" sao cho kịch bản khớp với văn hóa Việt Nam nhất. Tuy nhiên, theo nhiều nhà sản xuất phim, nhập ngoại kịch bản là một giải pháp có thể an toàn trong hiện tại, nhưng trong tương lai đây chưa hẳn là lựa chọn tối.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều phim thuần Việt trong thời gian gần đây như: “Gọi giấc mơ về”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Chạy án”, "Ma làng", “Lập trình trái tim”... thành công và hấp dẫn. Có lẽ nếu phim truyền hình muốn phát triển lâu dài thì nên đầu tư cho lực lượng biên kịch trong nước, không nên chỉ chạy theo những thành quả của xứ người. Bởi việc "nhập ngoại" kịch bản không phải lúc nào cũng thành công, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh phí, diễn viên... Đặc biệt, với những bộ phim đề cập tới đề tài xã hội còn khó khăn hơn vì mỗi quốc gia, dân tộc có nét đặc thù văn hóa, cách sống riêng.