Thời gian qua, liên tiếp có nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài vào đầu tư tại thị trường trong nước, thâu tóm các doanh nghiệp bán lẻ nội đã tạo ra sự lo ngại về một tương lai “u ám” không xa của ngành bán lẻ nước nhà.
Không ít ý kiến cho rằng, sự xâm lấn mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoại, xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng tăng có thể khiến các doanh nghiệp bán lẻ nội “chết yểu” ngay trên chính sân nhà.
Tuy nhiên trên thực tế, sự lo ngại này đã dần vơi đi khi thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã âm thầm tăng quy mô, mở rộng thị trường, nỗ lực giữ vững thị phần, giữ thế làm chủ với sự ra đời liên tiếp của chuỗi các siêu thị thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM - Saigon Co.op hay hệ thống các cửa hàng tiện lợi của VinGroup như Vinmart, Vinmart+... đang len lỏi vào từng khu phố nhỏ, từng khu dân cư là phân khúc thị trường vẫn còn đang rộng mở.
Chuỗi hệ thống các cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp bán lẻ đang thu hút đông đảo người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: KT) |
Trưởng Ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) – TS. Lê Huy Khôi nhận xét, các doanh nghiệp bán lẻ nội đang rất khôn khéo khi nhắm đến các thị trường ngách. Các doanh nghiệp này đã nhận thấy dù thua kém doanh nghiệp ngoại về vốn, về quy mô… nhưng họ có điểm mạnh là nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm của người dân Việt Nam.“Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi do đó, việc mở ra những cửa hàng tiện lợi hoặc lựa chọn điểm đông dân cư để mở siêu thị là một cách lựa chọn khôn khéo. Đó là một hướng đi đúng đắn của các kênh bán lẻ hiện nay”, TS. Lê Huy Khôi đánh giá và cho rằng, các doanh nghiệp cần phải quản lý, vận hành tốt các chuỗi siêu thị, nắm bắt được đúng nhu cầu thị trường để cung ứng những sản phẩm, dịch vụ hợp lý… chắc chắn sẽ thành công, thậm chí còn có thể hạn chế được sự gia tăng của các doanh nghiệp nước ngoài.
Củng cố thêm về hướng đi đúng đắn của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, với đặc điểm cơ cấu dân số đông lại đang ở thời điểm dân số “vàng”, thu nhập người dân ngày càng cao… đó là những yếu tố hấp dẫn của thị trường nông thôn.
“Nhắm vào thị trường này, các doanh nghiệp bán lẻ nội sẽ yên tâm không bị mất thị phần vì chính các doanh nghiệp nội sẽ rất hiểu tâm lý, thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn” ông Quyền cho biết.
Ở một góc nhìn khác, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, thói quen của người Việt Nam vẫn thích mua bán ở các hệ thống chợ vì tiện lợi, phong phú mặt hàng, nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn thích mua sắm tại các siêu thị.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được tâm lý này của người tiêu dùng để vừa phát triển theo hình thức kinh doanh mới của các siêu thị để giữ thị phần, vừa tiếp tục duy trì hệ thống phân phối bán lẻ ở các chợ lớn, chợ nhỏ.
“Chợ Việt Nam là một loại hình truyền thống, có thể phát triển hệ thống phân phối bán lẻ đến từng ngõ ngách, thị trường nông thôn, điều mà hệ thống siêu thị khó có thể làm được. Đây là kênh phân phối các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục sử dụng và khai thác đảm bảo thị trường phân phối bán lẻ của chúng ta”, ông Tự nói.
Mặc dù đứng trước xu hướng M&A đang ngày càng mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ hiện nay, nhưng TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ trong nước không nên lo ngại trước xu hướng này, cần phải coi đây là cơ hội để nắm bắt kinh nghiệm, học hỏi cách làm từ các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.
Bà Loan chỉ rõ, yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam để có thể trụ vững trước làn ngoại nhập, chính là sự nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng như khả năng quảng bá của các doanh nghiệp nội.
Bởi lẽ trên thực tế, nếu như các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tự trông vào sức mình là rất khó, ngay từ nguồn lực về mặt tài chính đã rất yếu chưa kể những yếu tố khác như công nghệ, kinh nghiệm… Nhưng thông qua hoạt động M&A và cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ có thể lớn mạnh để đáp ứng các điều kiện của thời kỳ hội nhập.
“Qan điểm của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam là không bi quan, không hoảng sợ trước làn sóng M&A. Vấn đề quan trọng là trong làn sóng ấy, các doanh nghiệp của chúng ta thực chất sẽ nhận được những gì, về kinh nghiệm, về công nghệ, về phương thức quản trị”, TS. Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định./