Dù có nhiều điểm mới trong cách ra đề môn Ngữ Văn cũng như trong việc bố trí, tổ chức thi, song thí sinh (TS) đều thoải mái về tâm lý khi làm bài.
Không bất ngờ về đề thi
Kết thúc 120 phút thi môn Ngữ Văn, TS bước ra khỏi phòng thi với tâm thế phấn khởi, tự tin. Không nằm ngoài dự đoán của nhiều giáo viên và TS, tình hình Biển Đông đã được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đề thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của TS.
Ghi nhận của phóng viên tại các hội đồng thi (HĐT) trường THPT Thăng Long, Việt Đức, Đống Đa và Phan
Huy Chú…, hầu hết TS đều cho biết hoàn thành môn thi đầu tiên khá tốt, đề bài không quá dài, phù hợp với thời gian làm bài. Nguyễn Giang Hương, trường THPT Việt Đức cho biết: "Đề thi mang tính thời sự, đề "mở" hết cỡ. Chúng em được thoải mái đưa quan điểm, sự hiểu biết của mình qua đề Văn mở này. Em thấy thú vị với cách ra đề như vậy". Đa số TS đều có nhận xét, dù không được ôn trước nhưng những ngày này, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều đưa thông tin, hình ảnh về biển đảo, nên không quá khó để viết về những suy nghĩ của mình.
Nhận định về đề thi môn Ngữ Văn năm nay, cô Kim Anh - giáo viên dạy Văn, trường THPT Phan Huy Chú cho biết: Đề Văn vừa sức, không quá khó với TS. "Đây là năm đầu tiên đổi mới cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT, tất cả giáo viên, TS đều nhất trí đi đầu trong đổi mới, xác định những khó khăn nhất định trong đổi mới của kỳ thi này. Qua đề Văn mà Bộ GD&ĐT đưa ra, hầu hết TS đều tự tin, thú vị với dạng đề này. Tuy nhiên, TS hào hứng, phấn khích dễ dẫn đến viết dài, sa đà, mất nhiều thời gian cho câu 3 điểm. Câu 2 (7 điểm), có đoạn trích trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ. Đây là dạng đề nghị luận xã hội, với triết lý sâu sắc, nói về khát vọng sống. Dạng đề này phát triển tư duy cho học sinh, nếu không đọc kỹ đề dễ lạc vào cách làm bài theo kiểu phân tích tác phẩm. Nhưng, đây chỉ là lo lắng của giáo viên" - cô Kim Anh cho biết. Cũng theo cô Kim Anh, điểm mới của cách ra đề như trên sẽ điều chỉnh cách học, tư duy của học sinh và cũng điều chỉnh cách dạy đối với giáo viên, hướng đến một nền giáo dục thực sự chất lượng.
Thí sinh được tạo điều kiện tốt nhất
Những điểm mới của kỳ thi năm nay tạo thuận lợi cho TS, song lại tạo áp lực đối với đội ngũ làm công tác thi. Bà Phạm Thị Xuân Hương - Chủ tịch HĐT trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) cho rằng, những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi năm nay giảm nhiều áp lực cho TS, song những người làm công tác thi phải làm nhiều công đoạn hơn. Cùng chung nhận định này, bà Cao Thanh Nga - Phó Chủ tịch HĐT trường THPT Phan Huy Chú cho biết: Tại HĐT có giám thị phải coi thi cả 2 ca trong buổi chiều, nhưng với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho TS, giáo viên sẵn sàng làm nhiệm vụ với ý thức, trách nhiệm cao. Nhà trường đã chủ động một số phương án trong trường hợp đặc biệt, ví dụ như TS đi muộn được lãnh đạo trường tạo điều kiện để có thể di chuyển đến địa điểm thi nhanh nhất. Nếu đi taxi, TS không phải thanh toán, mà được lên thẳng phòng thi, nhà trường bố trí người trực để hỗ trợ TS.
Điều mà dư luận quan tâm trước những đổi mới của kỳ thi năm nay là việc bố trí TS ra, vào giữa 2 ca thi để không gây ảnh hưởng đến kỷ luật trường thi. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số HĐT, việc sắp xếp TS của 2 ca thi trong chiều 2/6 khá trật tự. Những trường có 2 cổng, một cổng để TS ca 1 ra, một cổng dành cho TS ca 2 vào. Các trường có một cổng ra vào cũng không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, bởi TS làm xong bài, ra khỏi cổng trường, đi về ngay.
Trong ngày thi đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã thành lập 11 đoàn thanh tra lưu động đi kiểm tra các địa phương. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia đã đi kiểm tra công tác tổ chức thi tại HĐT trường THPT A Duy Tiên (Hà Nam). Theo đánh giá chung của đoàn công tác, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không vi phạm quy chế thi.
Tại Hà Nội, 20 đoàn kiểm tra cũng được thành lập, kiểm tra đột xuất các HĐT. Buổi thi đầu tiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng Ban Chỉ đạo thi và kiểm tra TP đã dự lễ khai mạc tại HĐT trường THPT Thăng Long. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, yêu cầu mọi thành viên của HĐT, nhất là các giám thị phải nắm vững quy chế, coi thi nghiêm khắc nhưng không gây căng thẳng cho TS. Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Tổ chức thi là việc làm thường niên, nhưng không được chủ quan, lơ là, nhất là trong bối cảnh TS đi thi với tâm trạng thoải mái như năm nay. Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đã đi kiểm tra công tác tổ chức thi tại HĐT trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) và HĐT trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ghi nhận chung, các HĐT đều tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
Lác đác thí sinh môn Lịch sử
Khác với không khí trường thi ồn ào, đông đúc của buổi thi môn Ngữ văn sáng 2/6, số lượng TS dự thi môn Vật lý vào đầu giờ chiều cùng ngày đã giảm hẳn. Với môn lịch sử, số lượng TS còn ít hơn rất nhiều. Hầu như ở tất cả các HĐCT chỉ có một phòng thi, trong đó nhiều phòng chỉ có trên, dưới 10 TS, thậm chí chỉ có một TS duy nhất. Nhiều hội đồng thi được nghỉ sau khi kết thúc môn vật lý do không có TS nào đăng ký thi môn lịch sử như ở trường THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tổng số TS dự thi môn Lịch sử trên cả nước là 104.959 em trên tổng số 910.831 TS dự thi, chiếm tỷ lệ 11,52%, thấp nhất trong tổng số 6 môn thi tự chọn. Trước tình trạng số TS dự thi quá ít, dẫn đến nhiều phòng thi chỉ có một vài em, Bộ GD&ĐT đã cho phép các HĐT gần nhau có thể ghép TS để tránh lãng phí. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các HĐT vẫn tổ chức phòng thi riêng cho TS, dù chỉ có một em dự thi.
Theo báo cáo nhanh từ các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT T.Ư năm 2014 tổng hợp tình hình tổ chức thi trên phạm vi toàn quốc: Trong buổi thi môn Ngữ Văn, có 4 TS vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi, gồm: 3 TS THPT và 1 TS GDTX. Trong ca thi môn Lịch sử, có 1 TS vi phạm quy chế bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi. Trong ngày thi đầu tiên, không có giám thị nào vi phạm quy chế thi.
Hôm nay (3/6), TS tiếp tục dự thi 3 môn: Toán (sáng), Hóa và Địa lý (chiều).
Các thí sinh làm bài thi môn Ngữ Văn tại Hội đồng thi trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Hải
|
Tổng hợp ngày thi đầu của Hà Nội: Tổng 3 môn thi có 239 TS không dự thi do ốm, đến muộn và các lý do khác. Trong đó, có 3 TS bị đình chỉ thi (2 TS đến muộn quá 15 phút, 1 TS mang điện thoại vào phòng thi (môn Văn) ở HĐCT Chúc Động (Chương Mỹ)). Số lượng TS đến dự thi đạt 99%. |
Các thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn Vật lý tại Hội đồng thi trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Nguyễn Quý
|
Vẫn có phao thi ở cổng trường
Ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 đã diễn ra trong trật tự, an toàn, không xảy ra ách tắc ngoài cổng trường. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng TS mang theo "phao" vào phòng thi.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 2/6, nhiều TS có mặt tại địa điểm thi từ trước 6 giờ 30 để tham dự buổi khai mạc. Tuy nhiên, cũng có nhiều TS đến muộn so với giờ quy định. Việc này diễn ra tại điểm thi trường THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), trường THPT Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy)… Mặc dù đã được các thầy cô dặn dò kỹ mang đầy đủ giấy tờ cần thiết đến phòng thi, nhưng vẫn có TS quên chứng minh nhân dân và thẻ dự thi, phải nhờ người nhà mang đến.
Một chuyển biến tích cực trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay là tình hình an ninh trật tự bên ngoài phòng thi. Các cổng trường thi không có tình trạng bán hàng trên vỉa hè hay phụ huynh tụ tập, ngồi chờ TS.
Mặc dù đã được kiểm soát gắt gao, nhưng ở buổi thi môn Ngữ Văn vẫn có tình trạng TS mang "phao" vào phòng thi. Cụ thể, tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy), TS chia "phao" trước giờ thi ngay ở cổng trường. Tại trường THPT Yên Viên (huyện Gia Lâm) vẫn còn tình trạng TS vứt "phao" thi ra sân trường sau buổi thi. (Thủy Trúc) |