Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi THPT quốc gia 2017: Trắc nghiệm là phương án tối ưu?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi họp về Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT  quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2017 diễn ra chiều 13/9, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam Trần Xuân Nhĩ đề nghị thi 5 bài, 9 môn.

Thi 5 bài, 9 môn

Với tinh thần ủng hộ kỳ thi THPT quốc gia đạt kết quả tốt để các trường ĐH, CĐ tuyển được thí sinh (TS) vào đào tạo, mục tiêu của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam hướng đến là tiếp tục có những kiến nghị góp ý với Bộ GD&ĐT để hoàn thiện dự thảo. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, dự thảo mà Bộ GD&ĐT có nhiều điểm phù hợp với kiến nghị trước đây của Hiệp hội như: Giao kỳ thi cho địa phương tổ chức nhưng có giám sát; thi theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT mới chỉ yêu cầu thi 3 môn bắt buộc và tự chọn 1 trong 2 bài tổng hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. "Chúng tôi đề nghị thi cả 5 bài gồm 9 môn thay vì 4 bài 6 môn để học sinh học toàn diện. Còn nếu Bộ cho thi 4 bài vẫn sẽ xảy ra tình trạng học lệch" - ông Nhĩ khẳng định. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho rằng phải thi cả 2 bài Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội để tránh việc học sinh học lệch.
Thí sinh làm bài thi THPT quốc gia năm 2016 tại Đại học Thủy lợi. Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh làm bài thi THPT quốc gia năm 2016 tại Đại học Thủy lợi. Ảnh: Phạm Hùng
 Trước phương án thi mà Bộ đưa ra cho năm 2017, khá nhiều người nhận định: Thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, các trường ĐH sẽ không chọn được nhân tài. Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Đảm bảo chất lượng của Hiệp hội lại có cái nhìn khác: "Thi THPT quốc gia không phải để tìm người tài. Luật Giáo dục ĐH quy định các trường được tổ chức thi tuyển sinh. Thực chất trong điều kiện hiện nay, các trường ĐH chuyển sang đại chúng nên chỉ những cơ sở tuyển chọn thật khắt khe mới tổ chức thi để tuyển chọn nhân tài". Bà Nga còn đưa ra dẫn chứng, thế giới đã khẳng định thi tự luận hay trắc nghiệm khách quan không ảnh hưởng đến việc dạy và học trên lớp. Các thầy cô giáo cứ dạy đúng chương trình thì học sinh làm bài tốt. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT phải công bố trong từng bài thi có bao nhiêu phần trăm câu hỏi dễ, trung bình để xét tốt nghiệp và bao nhiêu câu để phân hóa tuyển vào ĐH.

Trắc nghiệm phù hợp với quy mô lớn

Các bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có thể xem là "điểm nóng" nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận hiện nay. Bởi không chỉ làm xáo trộn việc học, thay đổi đó còn ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Đặc biệt, môn Toán thi trắc nghiệm sẽ xảy ra tình trạng khoanh bừa, môn Lịch sử sẽ học theo kiểu đối phó. GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, người có nhiều kinh nghiệm về đánh giá đo lường, phân tích: "Trắc nghiệm và tự luận, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Thi trắc nghiệm diễn ra trong thời gian ngắn, kiến thức bao phủ toàn môn học, chấm nhanh, khách quan. Thi tự luận đánh giá được khả năng diễn đạt, tư duy của người học. Nếu hai phương pháp này dùng cho các kỳ thi tiêu chuẩn hóa có quy mô lớn thì trắc nghiệm áp đảo tự luận".

Theo GS.TS Lâm Quang Thiệp, chất lượng thi trắc nghiệm phụ thuộc vào người ra đề, còn thi tự luận do vào người chấm. Muốn thi trắc nghiệm phải xây dựng ngân hàng câu hỏi, thử nghiệm nhiều lần. Thi tự luận, thời gian ra đề ngắn, cùng một lúc không thể tìm được người giỏi để chấm hàng triệu bài thi, nên chất lượng kém. Trên thế giới, các kỳ thi tiêu chuẩn hóa có quy mô lớn như SAT đều áp dụng hình thức trắc nghiệm. Vì vậy, môn Toán nên áp dụng hình thức trắc nghiệm với nhiều lựa chọn. Với  môn Lịch sử, lâu nay tổ chức thi tự luận, rất nhiều giáo viên chấm. Để đảm bảo công bằng, Bộ GD&ĐT có barem rất chi tiết, điều đó đã biến tự luận thành đếm ý để chấm điểm, chính là phương pháp trắc nghiệm - vô hình chung, Bộ biến đề thi tự luận hay thành trắc nghiệm tồi. Do vậy, cũng nên thay đổi hình thức thi để "sửa lỗi".