Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản đang “bắt cóc” kinh tế Trung Quốc?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thống kê từ Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc cho thấy thành phố Hàng Châu (tỉnh Triết Giang) dẫn đầu toàn quốc với 105,4 tỷ Nhân dân tệ thuế bán đất trong năm 2009.

KTĐT - Thống kê từ Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc cho thấy thành phố Hàng Châu (tỉnh Triết Giang) dẫn đầu toàn quốc với 105,4 tỷ Nhân dân tệ thuế bán đất trong năm 2009.

Trước những lo ngại về bong bóng bất động sản bị tạo ra bởi mức tăng cho vay, giới chức Trung Quốc đang có không ít động thái hạ nhiệt thị trường này.
 
Mới đây nhất, một số ngân hàng lớn đã thắt chặt quy định với các nhà đầu tư địa ốc đồng thời giảm quota cho vay trong năm 2010.

Đầu tuần trước ngày 8/2, Ngân hàng Công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ngân hàng cho vay lớn nhất) thông báo sẽ ngừng cho vay đối với các nhà đầu tư địa ốc không được cấp phép hay không có dự án vốn thích đáng. Thậm chí, ngân hàng này còn cảnh báo sẽ thu hồi nợ các nhà đầu tư có biểu hiện đầu cơ đất đai, nhà cửa.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thì công bố quota cho vay năm 2010 là 750 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 109,8 tỷ USD), giảm mạnh so với mức 950 tỷ Nhân dân tệ trong năm ngoái.

Nhiều ngân hàng cũng siết chặt hơn việc cho vay thế chấp bất động sản sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Điều chỉnh ngân hàng Trung Quốc yêu cầu kiềm chế mức tăng cho vay để tránh nguy cơ “bong bóng” và những rủi ro tín dụng.

Thị trường bất động sản sôi động đã dẫn đến mức tăng mạnh về doanh thu bán đất trong năm ngoái ở Trung Quốc khi các nhà phát triển địa ốc hối hả săn lùng với hy vọng giá nhà sẽ còn tăng cao hơn nữa.Yang Hongxu, nhà phân tích của E-House China (một công ty dịch vụ bất động sản), nhận xét khi kinh tế hồi phục chậm, nhiều công ty, đặc biệt là các tập đoàn quốc doanh với quỹ dồi dào, có xu hướng đầu tư vào bất động sản để kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Theo số liệu chính thức, năm 2009, Chính phủ Trung Quốc thu được gần 1.600 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 234 tỷ USD) từ bán đất, tăng mạnh 63,4% so với một năm trước. Doanh thu này trở thành một nguồn thu nhập chính với các chính quyền địa phương, nhất là khi những nguồn khác giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.

Thống kê từ Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc cho thấy thành phố Hàng Châu (tỉnh Triết Giang) dẫn đầu toàn quốc với 105,4 tỷ Nhân dân tệ thuế bán đất trong năm 2009. Tiếp đến là Thượng Hải với 104,3 tỷ Nhân dân tệ và thủ đô Bắc Kinh đứng thứ ba với 92,8 tỷ Nhân dân tệ.

Các chuyên gia cho rằng những chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm bớt “dựa dẫm” vào chuyện bán đất để có nguồn thu tài chính bởi sự phụ thuộc đó sẽ khiến họ không muốn kiềm chế tình trạng giá tăng chóng mặt.

Khu vực bất động sản giờ chiếm tới 20% đầu tư tài sản cố định và khoảng 10% GDP của Trung Quốc. Điều này dẫn đến một câu hỏi gây tranh luận: Liệu khu vực này có “bắt cóc” nền kinh tế Trung Quốc nếu giới chức không sẵn sàng áp dụng những biện pháp cứng rắn kiềm chế giá leo thang bởi lo ngại sẽ kéo thấp tăng trưởng GDP?

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng lúc này giá nhà quá cao trên thực tế đã ảnh hưởng xấu đến mức chi tiêu cá nhân khi một căn hộ tại các thành phố lớn giờ đã ngang với mức tiết kiệm của khoảng ba thế hệ!

Số liệu chính thức cho thấy giá nhà tại 70 thành phố quy mô lớn và vừa ở Trung Quốc đã tăng tới 7,8% trong tháng 12 năm ngoái so với một năm trước, mức tăng nhanh nhất trong vòng 18 tháng. Tại một số thành phố lớn, tình hình thực sự đáng báo động.

Giá nhà mới ở những nơi như đặc khu kinh tế Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) từ tháng 2 đến tháng 10 năm ngoái đã tăng gấp đôi lên tới mức bình quân 21.660 Nhân dân tệ/m2 (tương đương 3.185 USD/m2).

Chuyên gia Wang Tao, phụ trách nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại UBS Securities, kết luận rằng Chính phủ trung ương Trung Quốc lo ngại rằng giá leo thang chóng mặt ở các thành phố đang khiến ngày càng nhiều hộ gia đình trung lưu không thể mua được nhà.

Tuy nhiên, các biện pháp kiềm chế lại cũng cần được thực hiện thận trọng bởi nếu quá cứng rắn sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng, một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở thời điểm nhu cầu bên ngoài với hàng hóa xuất khẩu của nước này vẫn còn yếu ớt sau cuộc khủng hoảng./.