Chênh lệch cung - cầu
Theo Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, năm 2019 mặc dù thị trường BĐS giảm sút về nguồn cung mới, nhưng tỷ lệ giao dịch thành công và tỷ lệ lấp đầy ở mức cao. Bình quân trên cả nước tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%, riêng TP Hồ Chí Minh đạt trên 95%, điều này cho thấy nhu cầu trên thị trường tương đối lớn, nhưng với việc dừng cấp phép nhiều dự án mới đang khiến cho nguồn cung trên thị trường ngày càng khan hiếm.
“Qua các số liệu thống kê có thể thấy nhu cầu về mua và đầu tư BĐS trên thị trường là rất lớn. Thời điểm hiện tại, thị trường vẫn còn lượng hàng từ các dự án đã được phê duyệt, nhưng nguồn hàng này chỉ có thể đáp ứng cho thị trường từ 1 – 2 năm tới. Nếu như tình trạng này tiếp diễn thì đến thời điểm đó cung không đủ cầu, thị trường sẽ gặp khủng hoảng lớn. Trong đó thị trường Hà Nội được dự báo sẽ hết hàng sớm hơn TP Hồ Chí Minh” – ông Đính nhìn nhận.
Năm 2019, nguồn cung bất động sản có chiều hướng giảm sút, đặc biệt tại hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tổng nguồn cung nhà ở căn hộ tại Hà Nội giảm 24% so với năm 2018, lượng giao dịch cũng giảm khoảng 28%; trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh mức độ giảm còn mạnh hơn, tổng nguồn cung giảm gần 52%.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, với việc nguồn cung dự trữ vẫn còn thì bước sang năm 2020 thì trường BĐS sẽ vẫn tiếp tục hoạt động ổn định. Nhưng với việc rà soát, dừng – giãn thời gian cấp mới dự án và các vấn đề liên quan đến các thủ tục hành chính, thì sẽ bị mất cân đối về nguồn cung so với cầu.
“Quan hệ cung – cầu bắt đầu mất cân đối trong năm 2019, vì thế đã đẩy giá các sản phẩm BĐS lên cao. Tính bình quân, mức giá bán ở Hà Nội tăng thêm 6% và giá bán ở TP Hồ Chí Minh tăng thêm 12%” – ông Đính cho biết thêm.
Cần sớm “cởi trói” cho thị trường
Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, có 3 yếu tố then chốt đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS trong thời gian gần đây, đó là: Pháp lý, kinh tế và chính trị.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế tron năm 2019 và dự báo trong thời gian tới vẫn ở mức cao; Cùng với đó là thể chế chính trị ổn định và tình hình chiến tranh thương mại giữa các cường quốc đây là yếu tố quá thuận lợi cho thị trường. Nhưng những vấn đề liên quan đến pháp lý đang kìm hãm thị trường, trong năm 2019 khi các Nhà nước siết chặt hành lang pháp lý thì ngay lập tức nguồn cung của thị trường bị giảm sút” – ông Thơm nhìn nhận.
Trong thời gian qua, các cơ quan chuyên môn đã xây dựng nhiều văn bản pháp lý cho thị trường BĐS, nhưng khi thị trường rơi vào khó khăn thì các văn bản pháp lý đã bộ lộ nhiều hạn chế. Để thị trường sớm trở lại ổn định thì cần phải có sự “cởi trói” từ thủ tục hành chính và hành lang pháp lý.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, để giải quyết những khó khăn cho thị trường hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần sớm rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản (bao gồm cả các Văn bản dưới luật), đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông. Thực hiện lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trong năm 2019; Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và Đề án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong năm 2020...
“ Trước mắt, đề nghị tập trung giải quyết các vướng mắc, xung đột giữa một số quy phạm pháp luật của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, giữa Luật Đầu tư với Luật Quy hoạch đô thị; Cơ chế để giải quyết phần đất công thuộc Nhà nước quản lý trong dự án nhà ở; Cơ chế để giải quyết các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp và công tác tính tiền sử dụng đất, để khai thông các vướng mắc và ách tắc của thị trường BĐS hiện nay” – ông Châu nói.