Giá bán giảm sâu
Mới đây, trên nền tảng mạng xã hội Facebook, có một mẩu tin quảng cáo bán nhà gây sốc cho cả thị trường BĐS: “Trả giá bao nhiêu gia đình tôi cũng bán để trả nợ ngân hàng. Hoa hồng 3% cho anh em giới thiệu (môi giới thành công)”. BĐS được chào bán là một căn nhà mặt tiền đường Luỹ Bán Bích (con đường lớn nhất và sầm uất nhất trên địa bàn quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Một trường hợp khác cũng gây xôn xao giới đầu tư, đó là căn nhà toạ lạc trên đường Hoàng Văn Thụ, đây là trung tâm dịch vụ tiệc cưới nổi tiếng khu Khách sạn Đệ Nhất (quận Tân Bình), được rao bán với giá giảm sâu, từ 33 tỷ đồng xuống còn 28 tỷ đồng.
Dạo một vòng các nền tảng quảng cáo mua bán nhà đất, thông tin niêm yết của các sàn giao dịch BĐS cho thấy, tình trạng giá chào bán giảm 10 - 20% so với trước đây rất phổ biến. Nhà đại hạ giá, nhà cần bán gấp giảm giá mạnh, nhà cần bán để trả nợ ngân hàng… đang chiếm lĩnh và áp đảo trên các nền tảng quảng cáo mua bán nhà. Song song với việc điều chỉnh giá chào bán, số lượng BĐS chào bán cũng tăng đột biến. Tại sàn giao dịch BĐS Nhà đất trung tâm… chủ sàn cho biết họ đang có hơn 1.000 BĐS là nhà phố mặt tiền, mặt bằng kinh doanh, khách sạn 2 - 5 sao đang cần bán. Tại sàn giao dịch của Thiên Minh Capital cũng có tình cảnh tương tự với hơn 2.000 BĐS giá trị cao đang cần khách mua.Trở về giá trị thực?Anh Nguyễn Lâm – một nhà đầu tư cá nhân dày dạn kinh nghiệm và rất thành công trên thị trường BĐS cho biết: “Trong gần 30 năm làm nghề BĐS tôi chưa từng chứng kiến những diễn biến kỳ lạ, phức tạp và bất thường như thị trường BĐS như hiện nay. Chưa bao giờ số lượng BĐS cần bán đồng thời một lúc nhiều đến như vậy. Bây giờ, có đến 40 - 60% khách sạn nhỏ trên địa bàn quận 1 đang được rao bán, gần như bất cứ khách sạn nào cũng có nhu cầu chuyển nhượng”.Nhiều nhà đầu tư nhìn nhận, thực trạng thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh cho thấy, dịch bệnh trong suốt hai năm qua khiến cho ngành du lịch chết đứng, kéo theo dịch vụ lưu trú cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với đó, dòng vốn đổ vào thị trường BĐS đang bị nghẽn. Khi không có dòng vốn mới đổ vào, thị trường mất động lực, người nắm giữ BĐS không thể cầm cự trong tình cảnh nguồn thu từ khai thác không có, khả năng tăng giá bằng 0. Anh Nguyễn Phú Cường - Giám đốc một hệ thống sàn môi giới BĐS cho biết, thị trường hiện nay nguồn cung đang áp đảo lực cầu. Mặc dù trên các hạ tầng quảng bá mua bán nhà đất, mặt bằng giá chào bán đã giảm 5 - 20% tuy nhiên nếu so với mức giá mà BĐS đã tích luỹ trong giai đoạn 2017 - 2020 thì mức giảm này chưa đáng kể.“Trước năm 2020, mặt bằng giá nhà phố đã có 3 năm tăng giá liên tục. Mặt bằng giá năm 2020 gấp 200 - 300% so với năm 2016 - 2017. Trước năm 2017, giá bình quân của một căn nhà, có diện tích 80 – 100m2 trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 có giá trong khoảng 1,2 - 1,5 triệu USD. Thời điểm cuối năm 2020, giá của một căn nhà trên tuyến đường này trong khoảng 3 – 3,5 triệu USD. Mặt bằng giá được đẩy lên rất mạnh và đều đặn qua từng năm cho dù có rất ít giao dịch. Nhìn vào giá chào bán, nếu loại trừ đi phần giá trị xây dựng, trang thiết bị có thể thấy giá đất vẫn còn trên 1 tỷ đồng/m2. Theo tôi, mặt bằng giá này vẫn đang quá cao so với giá trị thực của BĐS" - anh Nguyễn Phú Cường cho biết, đồng thời nhận định, tình hình khó khăn hiện nay, khi mà nguồn cung đang lớn hơn nhu cầu, nhà đầu tư yếu vốn chắc chắn phải giảm giá để bán nhằm cân đối lại các khoản vay.