Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Trò chuyện với ông vào những ngày cuối cùng của năm 2012, điều ông mừng nhất là những giải pháp quyết liệt ấy không chỉ để cứu BĐS, cứu DN, vực dậy nền kinh tế, mà sâu xa hơn là để người nghèo có nhà... Sau những động thái quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, thị trường BĐS năm 2013 được kỳ vọng sẽ có bước chuyển tích cực. Với tư cách là “tổng tư lệnh” ngành xây dựng, ông nhận định thế nào về thị trường BĐS 2013? - Như chúng ta đã biết, thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS, mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), gây đình trệ sản xuất tại các DN xây lắp, sản xuất VLXD, NLĐ thiếu việc làm và do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thị trường BĐS trầm lắng kéo dài sẽ làm cho các nhà đầu tư rút khỏi thị trường, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt hàng hóa BĐS trong tương lai... Chính vì vậy, Chính phủ và Quốc hội đều xác định phải vực dậy, giải quyết tình trạng “đóng băng”, xử lý nợ xấu để thị trường BĐS phát triển ổn định. Hàng loạt các giải pháp quyết liệt đã được Chính phủ ban hành cuối năm 2012 để vực dậy thị trường này. Tuy nhiên, về triển vọng của thị trường BĐS năm 2013, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và bình tĩnh. Thị trường BĐS phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cũng chịu sự tác động của quy luật phát triển kinh tế thị trường. Thị trường chuyển biến nhanh hay chậm phụ thuộc vào quy mô của thị trường đó, từ giữa những năm 90 thế kỷ trước đến nay chúng ta cũng đã chứng kiến một số đợt tăng và giảm của thị trường BĐS. Khi thị trường có quy mô nhỏ thì tác động của sự tăng, giảm ít nghiêm trọng và sự điều chỉnh cũng nhanh hơn, nhưng hiện nay quy mô của thị trường BĐS của ta đã lớn hơn, vì vậy để có sự thay đổi cũng sẽ lâu hơn. Tôi cho rằng, với quyết tâm chính trị từ các cấp cao nhất, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ cấp trung ương đến địa phương, sự cố gắng, nỗ lực tự điều chỉnh của các DN kinh doanh BĐS, cộng đồng trách nhiệm của các TCTD, cùng với sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, lạm phát được kiềm chế, lãi suất tín dụng giảm đến mức hợp lý và việc gia tăng niềm tin của người dân đối với thị trường thì thị trường BĐS năm 2013 sẽ có bước cải thiện, tạo đà cho sự phát triển ổn định vào các năm sau. Cái khó nhất để gỡ các nút thắt cho thị trường BĐS 2013 theo ông là gì? Nguồn tín dụng hay niềm tin của người dân? Thị trường BĐS là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên vẫn có nhiều nhận định diện mạo u ám của thị trường này sẽ kéo dài hết năm 2013, quan điểm cá nhân của ông ra sao? - Thị trường BĐS gặp khó ngoài những khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, còn do các nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất: Hệ thống thể chế, công tác quản lý thị trường BĐS còn nhiều bất cập, tình trạng phát triển đô thị, phát triển BĐS thiếu quy hoạch, kế hoạch, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, cung vượt quá cầu có khả năng thanh toán của thị trường. Thứ hai, cơ cấu hàng hoá BĐS, nhất là thị trường nhà ở mất cân đối, thị trường thiếu hàng hoá có quy mô vừa và nhỏ, giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Thứ ba: Hệ thống tài chính BĐS VN chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động từ tiền tiết kiệm của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ DN và người dân trong tạo lập nhà ở; lãi suất ngân hàng tăng cao đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư BĐS cũng như người dân có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cần có hệ thống giải pháp đồng bộ chứ không riêng là nguồn tín dụng hay niềm tin của người dân. Cái khó nhất để gỡ nút thắt cho thị trường là xác định một cách chính xác các nguyên nhân và đề ra các giải pháp đúng, sau đó là kỷ cương và tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện các giải pháp. Là tác giả chính của chiến lược nhà ở quốc gia, ông có tin rằng ông sẽ thực hiện thành công một phần chiến lược trong nhiệm kỳ của mình? - Trước hết phải nói, từ trước tới nay Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến việc giải quyết nhà ở cho nhân dân. Qua nhiều thời kỳ, Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở, đã tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách, văn bản pháp luật, chủ trì tổ chức thực hiện nhiều chương trình nhà ở. Vì vậy, cùng với những thành tựu quan trọng trong phát triển KT - XH, lĩnh vực nhà ở đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của người dân từ nông thôn đến thành thị. Vấn đề nhà ở cho người có công được Nhà nước đặc biệt quan tâm; hàng triệu lượt hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây mới... Chính sách nhà ở cho người dân không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa to lớn về chính trị - xã hội, nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Hiện Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện chiến lược nhà ở, trong đó có việc xây dựng các đề án, nghị định về phát triển nhà ở xã hội, sửa đổi các luật có liên quan,... nhằm tạo môi trường để huy động các DN, người dân và xã hội tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đáng mừng là nhiều DN cũng đã quan tâm hưởng ứng, đăng ký đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội. Với sự vào cuộc của các địa phương và các DN trong việc triển khai các dự án lớn, tôi tin rằng trong nhiệm kỳ này, việc thực hiện chiến lược nhà ở sẽ đạt được những kết quả tích cực và sẽ là điểm nhấn về chính sách xã hội trong thời gian tới. Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30.11.2011, khẳng định: “Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân” trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Chiến lược đã phân định rõ hai loại thị trường nhà ở là nhà ở thị trường hàng hóa và nhà ở thị trường phi hàng hóa để có chính sách điều chỉnh phù hợp. Nhà nước có cơ chế, chính sách để thúc đẩy và điều tiết thị trường nhà ở hàng hóa phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế, chính sách và chủ động phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) nhằm thực hiện mục tiêu để mọi người dân có nhà ở, đặc biệt là các đối tượng có khó khăn về nhà ở, không đủ khả năng chi trả theo cơ chế thị trường. |