Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường BĐS 2016: Thuận lợi song hành thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2016 sẽ tiếp tục ấm hơn so với năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến khả năng mất cân đối thị trường, điển hình là sự phát triển ồ ạt sản phẩm cao cấp như trong thời gian qua... Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường BĐS Việt Nam 2016” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Nhiều tín hiệu khả quan

Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong năm 2014, việc khẳng định niềm tin đối với người tiêu dùng rằng giá BĐS “đã chạm đáy” và không thể giảm được nữa chính là một thành quả quan trọng, tạo tiền đề cho những thuận lợi của thị trường BĐS 2015. Thực tế ghi nhận những tín hiệu đáng mừng thể hiện qua lượng giao dịch ngày một lớn, nguồn cung dồi dào, thanh khoản cao, quý sau cao hơn quý trước, tồn kho giảm. Trong đó, thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giữ được mức từ 1.200 - 1.900 giao dịch thành công mỗi tháng. "Quan trọng hơn là, giao dịch đó có xu hướng chuyển dần từ phân khúc giá rẻ sang phân khúc trung bình và trên trung bình. Giao dịch có tăng và tăng đều" - ông Đặng Hùng Võ nhận xét.
Khách hàng tham quan dự án của Công ty CP Địa ốc Phú Long tại Dragon City Festival. 	Ảnh: Gia Việt
Khách hàng tham quan dự án của Công ty CP Địa ốc Phú Long tại Dragon City Festival. Ảnh: Gia Việt
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho rằng, năm 2016, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đà hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn so với năm 2015. Theo ông Hà, thị trường BĐS Việt Nam luôn có sự kết nối chặt chẽ và tác động tương hỗ với nhiều thị trường khác như tài chính, đầu tư, chứng khoán… Do vậy, khi nền kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các thị trường khác ổn định thì thị trường BĐS sẽ tiếp tục có sự phát triển ổn định như trong thời gian gần đây.

Cùng với đó, với một loạt các chế tài dành riêng cho thị trường BĐS (đã được luật hóa) vừa chặt chẽ nhưng lại vừa mở rộng hơn cho DN là một thuận lợi rất lớn đối với sự phát triển thị trường. Chẳng hạn, Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) đã cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Đây là một cơ hội để các DN có thể nghĩ đến việc "xuất khẩu tại chỗ" BĐS cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ước tính, trong giai đoạn 2016 - 2018, thị trường sẽ có nguồn cung đến gần 80.000 đơn vị nhà ở, với trên 70% số lượng thuộc phân khúc cao cấp, trong khi nhu cầu về nhà ở bình dân đang khá lớn, song lại ít được DN quan tâm đầu tư. Theo các chuyên gia, việc các DN đang có xu hướng đổ xô vào phân khúc cao cấp, dẫn đến nguy cơ mất cân đối thị trường là một bất lợi rất lớn.

Cần tầm nhìn dài hạn

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia có chung nhận định, thị trường BĐS vẫn chưa đủ hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mà rào cản căn bản xuất phát từ sự thiếu nhất quán trong các chính sách về BĐS, tính minh bạch của thị trường cũng như sự “bất bình đẳng” giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Jeff Foo - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Singapore cho rằng, những chính sách "mở cửa" gần đây của Chính phủ Việt Nam là cơ hội lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực BĐS còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại những khó khăn đáng kể. Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu nhất quán từ các chính sách của Việt Nam. “BĐS Việt Nam cũng đang phát triển, nhưng quan ngại của tôi là, với việc dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào BĐS như hiện nay, liệu Nhà nước Việt Nam có chính sách điều chỉnh gì hay không? Nếu có thì liệu sau 5 hay 10 năm sẽ thay đổi?”- ông Jeff Foo chia sẻ.

GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, các chính sách đã tạo một hành lang pháp lý cơ bản rõ ràng. Tuy nhiên, cái thiếu hiện tại là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, thị trường BĐS Việt Nam chưa tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời chưa tạo được một sân chơi bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đơn cử, theo Điều 11, Luật Kinh doanh BĐS, nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức tách đất thành các lô đất để bán trong khi nhà đầu tư BĐS Việt Nam lại được phép thực hiện. Hoặc, DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép thu tối đa 50% giá trị hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua BĐS được hình thành trong tương lai, trong khi tỷ lệ áp dụng dành cho nhà đầu tư BĐS Việt Nam là 70%. “Chính sách dành cho BĐS cần có cái nhìn dài hạn, bền vững và không nên thay đổi một cách đột ngột, chóng vánh. Giả sử, hôm nay các bạn mở cửa, nhà đầu tư bước vào nhưng ngày mai đột ngột đóng cửa thì nhà đầu tư rất khó…” - ông Jeff Foo nói.